“Nguyễn Tuân - Hỏa thiêu Đại Bục”




Trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Đầu tháng 4 (năm 1949) (…) Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh chuẩn bị chiến dịch Sông Thao ở Tây Bắc (…) Mục đích (…) là tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa Tây Bắc, phá thế uy hiếp đối với Việt Bắc từ phía tây, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào (…) Ngày 19 tháng 5, hai tiểu đoàn của ta đồng thời tiến công tiêu diệt hai cứ điểm Đại Bục, Đại Phác, lập chiến công xuất sắc mừng ngày sinh của Bác (…) Chiến dịch Sông Thao kết thúc thắng lợi”.

Nguyễn Tuân cùng một số văn nghệ sĩ đã đi theo đơn vị bộ đội được trao nhiệm vụ tiêu diệt đồn Đại Bục. Ba bài bút ký “Bàn đạp”, “Lửa sinh nhật” và “Đời lại mấy mươi tuổi” ghi lại một số cảm giác cảm xúc của Nguyễn trong chuyến đi thực tế đặc biệt đáng nhớ này. Bài thứ nhất có nội dung là việc chuẩn bị sau khi tới khu vực tập kết, bài thứ hai là diễn biến trận đánh, bài thứ ba là chứng kiến cái vui trong vùng vừa giải phóng.

“Bàn đạp”

“Đoàn người (...) bắt đầu chuyển. Sao đêm nhấp nhô trên đầu ruồi súng (...) Đến rồi (...) trú quân tạm xong (…) Thỉnh thoảng lại hiện về một vài bóng người đeo bị cói đội nón trông rất bí mật, quan trọng, lừ lừ đi thẳng vào tiểu đoàn bộ. A! đám trinh sát (...) Cả một ban tác chiến nhộn nhịp (…) Bàn cát đang nhú dần lên những hình núi, đồi (…) Trong một diện tích độ chín mười thước vuông cát vàng, có những hàng gạch rêu đánh đai xung quanh vuông vắn, từng tí một, đang mọc lên (...) Từng thỏi đất thó ướt (...) được nắn (...) chuốt (...) Một (...) mảnh mo cau tươi, uốn khum xuống (...) Một cái gai chanh ghim vào (...) Thân lô-cốt đã có nóc rồi (...) điệu nó lên (...) một cái đồi cát mu rùa (...) Liền sớm ngày sau, quanh cái bàn cát xinh ấy, bao nhiêu sao vàng, bao nhiêu súng ngắn, bao nhiêu vẻ mặt gân guốc ý chí chiến đấu, bao nhiêu thông minh sắc sảo đã vây quanh lấy cái đồn Pháp (...) Anh tiểu đoàn trưởng (…) “Hôm nay, ban chỉ huy triệu tập các đồng chí lại để cùng nghiên cứu kế hoạch công đồn. Đồn Đ.B. (…)”. Sổ tay của các cán bộ lật trang liên tiếp. Không khí sa bàn nghiêm lặng (…) “Năm giờ chiều sẽ khai hỏa. Phải giải quyết trong nửa tiếng” (…) Khói lửa đã bắt đầu ngùn ngụt bốc khỏi mắt khỏi mặt các cán bộ (…) Thảo luận đến phần đánh cận chiến trong đồn, không khí sôi sục như lúc giáp lá cà. Mọi người đều như muốn tràn vào lòng sa bàn (…) Bến nhộn nhịp. Dân quân chở mãi (...)”.

“Sao đêm nhấp nhô trên đầu ruồi súng” không phải một đêm mà “nhiều đêm” thì bên tai Nguyễn mới thôi “cái tiếng nặng nặng của những bàn chân đi đánh xa”. Rồi cũng tới “bàn đạp”. Nhưng không phải đến là nhún “đạp” ngay mà vọt lên mình cọp mà đánh túi bụi. Phải nghỉ lấy lại sức chứ. Và bộ đội tranh thủ tập luyện thêm. Và trinh sát đi lấy thông tin về đồn địch để cán bộ chỉ huy cho đắp sa bàn mà nghiên cứu cho thật tỉ mỉ, chọn cách đánh thích hợp nhất. “Cái bàn cát xinh ấy (…) đúng là một bàn mổ, trên đó sóng sượt một cơ thể (…) chờ giải phẫu”. Chao ơi, các “bác sĩ” chuyên khoa phẫu thuật đang chăm chăm chú chú mổ xẻ đây không hề nhằm cứu, mà nhằm giết “bệnh nhân” Đại Bục sao cho thật gọn! Mới chỉ là đánh… mô hình thôi, mà mọi người mặt đã bốc khói, mắt đã tóe lửa! Càng “đánh” càng hăng, bàn đến chỗ xung kích vào đồn thì cái mô hình nó như vừa phồng lên tới kích thước thật của mục tiêu, đặt luôn bao nhiêu cán bộ vào những thế sinh tử!... Rồi cũng đến ngày trước ngày quân ta tràn vào lòng cái Đại Bục “bằng xương bằng thịt”. Bộ đội từ “bàn đạp” vào trận địa, bắt đầu cũng là sang ngang y như Kinh Kha sang Tần. Nhưng lên đường này sẽ kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Mấy hôm nữa những người dân quân sẽ được lại chở sang sông một đoàn quân chủ lực khải hoàn.

“Lửa sinh nhật” (1)

“(Ngày 19 tháng 5) Gà vừa gáy sáng thì chúng tôi chiếm lĩnh trận địa: một sườn núi đất chi chít nứa dại (…) Anh trinh sát bấm tôi (…) “Nó, nó bên này này” (…) Sao lại có thể rõ như thế này nhỉ! Một cái lô-cốt… Hai cái lô-cốt… (…) Lại cả cái màu tam tài cờ Tây nữa. Đã lâu mình quên lửng cái sự này (…) Khí nóng lung linh bốc ngùn ngụt, đồn Đại Bục khẽ động ảnh như một linh hồn say nắng (…) Đây đó một vài tiếng ho. Lại suỵt (…) Nhiều người tủm tỉm: “Lúc nào Voi ho thì chúng mình tha hồ mà ho” (…) Mỗi lần Anh Cả của các thứ súng đi trận, mệt lính Cụ Hồ lắm. Nhưng có Anh đi thì xôm trò (…) Anh ấy yên chỗ rồi mà lên giọng thì khối đứa dưới cái quả đồi mu rùa kia ôm nhau mà khóc trong hội lửa. Sọt nứa (đựng đạn pháo) ngổn ngang dưới bóng rừng tối (…) Bụng tôi cứ rối lên (…) Tôi ngóng giờ khai hỏa. Chờ người nhân ngãi buổi đầu cũng chỉ thế này thôi (…) Bỗng có tiếng nổ. Nổ rền. Dưới chân núi, về phía tay trái. Ô hay, cái gì thế này? Lộ rồi à. Khổ quá! (…) Thì ra nó đi tuần (…) bị một bộ phận chặn ngay lại, nó liền rút luôn (…)”.

Đại Bục đây, trước giờ G. Đại khái là một “tập đoàn” những cục những khối ngổn ngang đằng sau ba lớp lông nhím quây lấy một diện tích độ vài nghìn mét vuông trên “một quả đồi trọc vàng khè”. Chắc không phải đồi đã trọc sẵn, mà giặc huy động dân đốn dọn sạch cây để tăng an toàn cho đồn nó… “Anh Cả của các thứ súng” chỉ là sơn pháo 75 ly thôi, nhưng những chân mang dép lốp rước được Anh ra trận vẫn là thực hiện kỳ công. À, cái chuyện “Lộ rồi à. Khổ quá!” như Nguyễn kể đây và như Tô Hoài kể trong bài ký “Trên mặt trận sông Thao” là cố ý nói rất phơn phớt về một sự cố đã có thể trở nên cực nghiêm trọng. Sự cố ấy mãi đến năm 1993 khi chính trị viên của tiểu đoàn 54 trung đoàn Thủ Đô là đơn vị đánh Đại Bục gần nửa thế kỷ trước kể thì ta mới biết. Bài “Tiếng thét Vũ Lăng” của Lê Thọ cho hay kế hoạch hành quân là đại đội trợ chiến phải tới gần trận địa trước để tổ chức bảo vệ pháo và ban chỉ huy tới sau, nhưng do gặp trở ngại bất ngờ trên đường hành quân, đại đội này lại đến muộn hơn. Ngẫu nhiên, đúng vào lúc pháo và ban chỉ huy tiểu đoàn đang bơ vơ, thì quân địch lên đồi sục sạo. Ta chỉ có khoảng một tiểu đội vũ trang, nên chẳng bao lâu thì “tình thế núng lắm rồi”. May nhờ địch chưa rõ tình hình, khi tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng thét xung phong thật to, rồi bao nhiêu người tay không cũng thét theo thật dữ dội, rồi quân ta nổ súng và tung lựu đạn, thì địch hốt hoảng tháo lui! Nếu chúng đã bình tĩnh tiếp tục dàn hàng ngang tiến lên, thì Cao Văn Khánh (chỉ huy phó chiến dịch sông Thao), Vũ Lăng, Lê Thọ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chính Hữu, Lương Ngọc Trác v.v. đã thương vong hay bị bắt, pháo phần lớn bị địch phá hủy hay tịch thu! “Mưu sự tại nhân…”, người dù tính toán kỹ đến đâu cũng phải mong được Trời giúp đỡ hay ít nhất đừng cản trở. Đây “Thiên” nghịch ngợm, cho cả đám một mẻ sợ thật to, nhưng rồi hú hồn kịp thời, nên “sự” vẫn “thành”. Cái “tiếng thét Vũ Lăng”, nó giá trị như tiếng quát của Trương Phi ở cầu Trường Bản!

“Lửa sinh nhật” (2)

“Oàng! Bụi đất tạt vào tôi (…) Tôi nằm (…) đếm tiếng Anh Cả ho và tiếng tim mình chờ moóc-chê địch câu sang (…) Giặc vẫn nín. Lạ đấy. Thôi, chết cha nó rồi! Trúng giữa đồn nó rồi! Voi diệt súng cầu vồng của nó rồi! Nó ơi là nó ơi! Tôi nhảy chồm (…) Dưới kia (…) Trại giặc thất điên bát đảo, cái gì cũng tung phoi cả lên. Đất phun hỏa mù, lửa vọt loạn xạ. Giặc mặc quần đùi chạy như vịt. Ống phóng bom của trợ chiến bắt đầu rót (…) Bom bay giáng xuống sân Đại Bục tựa tầm sét Thiên Lôi. “Anh Cả” vẫn đều giọng (…) Đồn là một lò quay bừng bừng lửa. Tôi nhẩy cẫng lên lưng công sự. Tôi nhấp nhô như một con sóng vấp bờ (…) Bắn nữa đi! Lật ngửa đồn nó ra! Cho lô-cốt của nó lộn tùng phèo đi! Ha ha, cột cờ nó đang lả, đang lao đao thanh cột buồm của ghe chìm. Hàng rào cháy rồi, anh em ơi! (…) Hỏa thiêu Đại Bục. Xích Bích giữa rừng khô. Trước mặt tôi hoàn toàn là cửa gạch, là cánh phượng cuối niên học, là hoa vông, là hoa mã, là thép lò, là vàng thoi chảy, là cửa nồi súp-de, là suối, là vực lửa, là… chớp đánh nhoàng, đảo đánh nhoàng, là… là cứ rối cả mắt cả tai lên ngứa điên cả người lên! Thụt lửa xuống, rót chì vào, thụt mãi rót mãi, ôi leo ôi! còn gì là xương thịt của tội ác! Đại Bục ngụp trong bể lửa, ngạt thở trong khói đạn (…) Tằng tằng tằng. Cục cục cục. Mấy đồng chí trợ chiến điều khiển 12,7 ly chắc đang khoái lắm! (…) Xung phong đến nơi rồi! (…) Những hồi trống ngũ liên ầm ầm rung chuyển rừng tre (…) Trống giục nước dâng (…) Trống dâng nước rung đến đâu, lưỡi mác xung kích dâng cao lên đến đấy. Búp đa thép chơm chởm như cỏ bồng nước lũ. Tôi vớ luôn một cành khô, nện vào một mặt trống nữa (…) Tôi cuống quýt bên tang trống (…) Choét! Choét! Ùng! Các ông 60, các ông 81 làm việc đều tay (…) Rồi đến đạn lõm, không chê được! Ba-dô-ca hay quá. Sẹt! Này một cái chớp thụt hậu, này một cái chớp nữa phọt thẳng vào tường đất. Thế là bỏ mẹ những thằng trong lô-cốt. A, mày chạy lên từng trên bắc súng máy xuống hả? Cứ lỗ châu mai từng trên ấy mà phóng vào. Bấm điện đi! Sẹt! Oàng! Cả bấy nhiêu thằng giặc bị tung hê lên. Trần lô-cốt sập. Chúng nó rụng rời nổ đốt, tay nhả, lao từ trên mặt chòi xuống ngã quay cu lơ. Rụng như thị mõm. Rơi như khỉ giật mình. Có thằng lom khom mới tụt xuống nhưng nấc mạnh lên, vọt lên như tia nước, uốn ván rồi cắm ngửa xuống dưới rào lông dím. Nó lại còn trồng chuối, múa ngược chân lên. Ai đùa với nó kia chứ! Bắc ống nhòm trông rõ quá”.

Đây không phải là một trận công đồn điển hình của quân kháng chiến. Bởi hỏa lực ta mạnh bất thường: nào sơn pháo 75 ly, súng phóng bom (lần đầu ra trận), súng cối, ba-dô-ca, trọng liên. Bởi ta bố trí được hỏa lực ấy trên một điểm cao gần mục tiêu, giúp gia tăng tác dụng, đặc biệt sơn pháo có thể bắn thẳng. Cũng bởi địch không được cứ điểm khác chi viện hỏa lực hay tăng viện (vì Đại Phác cũng đang bị đánh), còn máy bay thả bom thì không đến kịp. Dĩ nhiên không phải tình cờ mà Đại Bục hội tụ tất cả các yếu tố thuận lợi. Đây là trận “phải thắng”, vì mở màn chiến dịch, lại được chọn xảy ra trong ngày sinh nhật Bác. Hẳn bộ chỉ huy chiến dịch đã chắc ăn lắm, nên mới cho chỉ huy phó và một phái đoàn văn nghệ quan trọng đi theo bộ đội ra tận trận địa. Trong phái đoàn, có một trường hợp đặc biệt đáng cho đi: “Từ bé đến giờ, mình vẫn là một đứa trẻ đói thanh đói sắc…”. Bữa nay “được một chầu thỏa thuê cho tai cho mắt”, sướng để đâu cho hết, “mình” ơi! (Ngay trong trận này hỏa lực của quân ta cũng không đủ để tiêu diệt hoàn toàn các ụ súng địch. Khi xung kích vào đồn, vẫn gặp những luồng đạn nguy hiểm. Một trung đội trưởng là người quen của Nguyễn Tuân đã hy sinh.)

“Lửa sinh nhật” (3)

“Kỳ hiệu! Kỳ hiệu chiếm xong đồn rồi! Mới hơn 30 phút! Tôi quăng tôi xuống chân núi, cọc, gai, nứa nhọn, phớt hết. Mau lên, không có thì nhạt hết khói dưới ấy (…) Tôi nhập vào một cảnh tan hoang. Chỉ còn có lửa đang uốn khúc lè lưỡi và kêu rống lên những tiếng gió giông chạy (…) Mặt đất vương vãi tro xám tro nóng than hồng than đen, tàn cháy (…) bay mãi không chịu rụng xuống sân đồn. Từng mảng đất tường khô nhả dần (…) rơi huỳnh huỵch như giặc bổ nhào ban nãy (…) Bộ đội đang hóa vàng. Nhiều bóng dáng hối hả tất tưởi xoay quanh một đàn tràng phá ngục. Khét quá, nồng lắm, tanh tanh gây gây nữa (…) Từ những gian nhà lở (…) nhiều bóng người bê súng bê đạn lễ mễ. Kẽ giao thông hào, xác giặc cháy nối nhau. Suối lửa ngào đúc tất cả lại thành một khối (…) khét lợm (…) Càng về chiều, lửa càng giận dữ hơn, gặp bất cứ cái gì của đồn giặc là đều quơ tay với lấy hết. Đất, tre, gỗ, vải, giấy, tất cả đều ngấu nghiến đôm đốp và loáng mắt khạc ngay ra vụn xám, ra tàn đen. Thật là một vụ tuyên án Đại Bục bằng lửa người, trả thù cho tất cả những linh hồn bản, xóm, làng, chợ cóc nhảy, phố cao-su của chúng ta bị giặc đốt trong mấy năm nay (…)”.

Nguyễn Tuân khinh bạc đã mồ yên mả đẹp thật rồi! Đọc “tôi” yêu nước sôi nổi thấy “tôi” dễ yêu quá, “tôi” ơi là “tôi” ơi! Về ý nghĩa bắt giặc trả nợ tích lũy “mấy năm nay”, hỏa thiêu Đại Bục hoàn toàn chỉ có tính tượng trưng. Nói chuyện trả thù, nếu “tính sổ” kể từ trận Đà Nẵng (1858), thì ngay cả Điện Biên Phủ sau này cũng quá nhỏ nhoi. Để trả cho ra trả, ta phải đánh qua tận đất Pháp kìa! Nhưng thôi, cứ nó cút là được. “Theo người lính (…) chúng ta mới thấy sống trong tranh đấu là một điều vinh dự cho xúc cảm mình. Chào cờ Việt Nam trong đồn Tây sân còn nóng hổi, đó là một khoái trá nghìn vàng cũng không mua được ở chỗ xa tiếng súng”.(1) Cuộc kháng chiến này là “nghìn năm một hội tao phùng”, rồi bên trong nó lại xảy ra một hội tao phùng hình như chưa bao giờ có giữa chiến sĩ và văn nghệ sĩ. Tưởng tượng những người cầm bút cầm đàn đứng bên cạnh những người cầm súng cùng chào một lá quốc kỳ phấp phới trên đồn địch tan hoang! “Theo người lính (…) chuyến vừa rồi tôi lớn hẳn lên”.(2) Còn văn nghiệp “tôi” đã lớn thì càng thêm đồ sộ.

“Đời lại mấy mươi tuổi”

“Tây dựng đồn Đại Bục (…) Những lối mòn khép dần. Cỏ tranh mọc quá đầu người (…) Sau một đêm (..) cuộc đời ở đây đã ngóc dậy, bật sáng lên (…) Một toán người xanh biếc (…) xuống chiếc đò gỗ (…) kĩu kịt (…) thực phẩm, quần áo (…) xẻng cuốc (…) cả trâu lợn gà vịt cùng xuống (…) Các chị Thổ cười vang mặt sông: “Ruộng bỏ vắng lâu quá rồi, bỏ hai ba vụ lúa rồi, không về mau mà làm lại thì đất nó quên mình đi (…) Bao giờ chín lúa có cơm mới, các anh nhớ về cho đông mà ăn mừng cơm đoàn kết của chúng em nhé” (…) Tôi ngồi giữa một cái đò áo lam. Đầu các chỏm núi hai bên sông vươn lên cái màu đỏ những cây coỏng đang lung linh lá thắm (…) “Hong hỏng như chờ coỏng nở” (…) Đàn chim lam líu tíu (…) “Cây coỏng đỏ lá thì gieo mạ (…) Một năm, coỏng ra ba lần lá đỏ, mỗi lần xa nhau nửa tháng. Lần đầu, lá coỏng báo mình tra lúa mộ (…) Lần thứ hai, tra lúa dé (…) Lần thứ ba, tra quẩy lúa lim (…)”. Tôi lặng nghe (…) đăm đăm nhìn coỏng đỏ ngọn núi xa vời (…) Tây Bắc bôi những vệt son lòng trai lên một bức tranh sơn mài (…) Vẫn con chim lam ấy (…) “Hết coỏng thì đến cây phách trổ hoa (…) chúng em lại làm đến đỗ (…) Tháng một hái lá chàm về ruộm vải may áo ăn Tết. A này, quần áo các anh bạc rồi, các anh về đây, xã em sẽ ruộm lại áo quần cho bộ đội, bộ đội áo lam sẽ ở lại với vùng em không về nữa”. Tôi hỏi: “Kháng chiến thành công, các chị về Hà Nội chơi chứ?” – “Em muốn về lắm, nhưng đường dưới xuôi không có dốc, bước mỏi lắm. Và ít núi quá. Trên này lúc nào cũng không mất núi, thành ra đi thấy gần lắm” (…) Tôi trông theo những bóng áo chàm rẽ ngoặt vào lối cỏ Đồng Cau. Mười tám tháng nay, lối cỏ này mới lại có bóng người đàn bà không sợ hãi”.

“Tranh sơn mài” đẹp quá, “đàn chim lam líu tíu” ngộ nghĩnh quá. Thế là trên này được giải phóng trước đấy nhỉ. Bao giờ thì đến lượt đàn chim nâu được bay về đồng xuôi để lo gieo mạ và đàn chim sặc sỡ về phố phường để lao động lối phố, cho “đất” khỏi quên? Ờ mà dĩ nhiên nâu với màu nọ màu kia là khi còn ở dưới kia, chứ bây giờ những chim ấy đang diện các loại màu kháng chiến... Thế là “các chị Thổ” đoán nhầm về cái “anh” đang cùng ngồi trên đò gỗ qua con sông Thao với mình hôm nay. Nhưng tuy không phải là bộ đội, anh ấy đang ngắm núi non và lắng nghe các chị mà “rưng rưng một cái vui thấm thía” nó có gốc ở hành động của những người anh đã theo chân suốt bao nhiêu ngày…



Thu Tứ
Tháng 8-2018

















__________
“Hỏa thiêu Đại Bục” là tên tạm đặt cho tuyển ký này.
(1), (2) Trong bài “Đời lại mấy mươi tuổi”.