“Trần Đăng Khoa - Thơ thần đồng”




Mới lên tám lên chín, Trần Đăng Khoa đã sáng tác được những bài đích thực là thơ, do đó ông là thần đồng.

Thần đồng thì tài vượt tuổi, giỏi như người lớn giỏi, nhưng tâm hồn vẫn cứ còn một số nét đặc thù của tuổi thơ. Chính thế mới thú vị! Bởi nó khiến cho thơ thần đồng có những đặc điểm khó gặp nơi thơ của người lớn.

Đó thứ nhất là cái lối cảm tự nhiên một cách “hòa đồng”. Tâm hồn người rất ít tuổi có cái lối hết sức dễ dàng nhân hóa muôn loài, thấy chẳng những động vật mà cả thực vật cũng có đầy đủ cảm giác cảm xúc y như chính mình, thậm chí trông rêu bám ở cọc cầu ao tưởng rêu cũng biết mơ!

Thứ hai, hễ hồn nhiên thì dễ nẩy cảm xúc “tương giao”: trông “nền (trời) xanh” nghe được “tiếng chuông”, trông “hoa duối vàng tươi” nghe được tiếng “hát”! Lạ lùng thay, những cái ấn tượng sống động, tươi tắn mà tự nhiên gây được nơi tâm hồn thơ trẻ!

Thứ ba, thơ thần đồng không chứa nhân tình thế thái.

Thứ tư, nó không chứa triết nhân sinh, triết vũ trụ, hay bất cứ thứ trầm tư gì.

Thứ năm, nó không có tình yêu nam nữ.

Cuối cùng, nó cũng không có những bài rỗng, ra đời vì lý do ngoài thơ.

Đọc mãi tác phẩm của các thi nhân trưởng thành, lòng óc ta liên tục tiếp xúc với đủ thứ nội dung phức tạp, có thể trở nên “nóng” quá. Lúc ấy mà chuyển sang đọc những vần thuần cảm hướng về tự nhiên cách hòa đồng của thần đồng, tưởng lòng óc sẽ reo lên vì được tắm suối mát!

*

Nhưng những bài thơ Trần Đăng Khoa sáng tác khi còn rất ít tuổi không phải chỉ chứa có cảm giác cảm xúc về tự nhiên. Quê của cậu bé này là Quê Chinh Chiến. Thơ cậu chan chứa lòng yêu nước.

Có người bảo thần đồng Trần Đăng Khoa có ý thức chính trị, toàn đề cao cái hay cái tốt.

Không phải vậy. Sự thực đơn giản là ở Miền Bắc thời chiến tranh tuy đời sống vật chất cực kỳ khó khăn, nhưng tinh thần nhân dân nói chung lại hết sức tích cực. Hầu hết mọi người hăng say tham gia kháng chiến. Cả đạo đức cách mạng lẫn đạo đức cũ đều vững vàng. Trần Đăng Khoa lớn lên thấy quanh mình như thế, nên thơ như thế, có thế thôi. (Bằng chứng ư? Mỹ siêu mạnh, nếu phía Việt Nam tinh thần không siêu thì chắc chắn ngày toàn thắng đã chẳng bao giờ tới!)

Tất nhiên đã có việc dở người xấu. Nhưng trẻ em không soi mói, nhờ đó cái nhìn của chúng lại phản ánh đúng tình trạng chung của xã hội hơn cái nhìn của một số người lớn!

*

Trần Đăng Khoa chỉ mới sắp sửa trưởng thành thì đã xây xong một sự nghiệp thơ hẳn hoi. “Nợ thi ca trang trắng” ở cái tuổi mà người khác chỉ vừa bắt đầu gieo những vần bỡ ngỡ, tưởng thi sĩ thiếu niên khi ấy có thích chí “vỗ tay reo” cũng đáng!(1)

Thơ Việt Nam đã có một số thiên tài, thêm Trần Đăng Khoa là có cả thần đồng. Nước Thơ mà, có gì đáng ngạc nhiên đâu!

Sau đây là một số bài “thơ thần đồng” sáng tác khi nhà thơ còn ở trong khoảng từ 8 tuổi đến 16 tuổi.

Vườn em

“Vườn em có một luống khoai / Có hàng chuối mật với hai luống cà / Em trồng thêm một cây na / Lá xanh vẫy gió như là gọi chim… / Những đêm lấp ló trăng lên / Vườn em dậy tiếng dịu hiền gần xa / Em nhìn vẫn thấy cây na / Lá xanh vẫy gió như là gọi trăng...” (1966). Trẻ em hay hồn nhiên nhân hóa các sinh vật. Nhưng tuy xem chim, thú, cây v.v. như người, trẻ vẫn có thể đối xử “ác”. Đọc thơ cậu bé này, ta có cảm tưởng cậu rất tử tế với muôn loài. Lòng tử tế ấy hóa ra có nguồn gốc cụ thể: “Trong con mắt tôi, cây cối, trâu bò, gà lợn, chó mèo cũng có niềm vui, nỗi buồn như những con người. Tình cảm ấy, tôi tiếp nhận được từ mẹ”.(2) Nghe được “tiếng dịu hiền gần xa”, thấy được cây na vẫy lá gọi trăng, “em” lớn lên trong “vườn” đáng quá.

Chớm thu

“Sân trăng nghe đã dần phai / Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây / Nghe trời trở gió heo may / Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau...” (1967). Về bài thơ này, tác giả kể: “Nhà thơ Xuân Diệu rất thích (...) nhưng ông chê câu đầu “Nửa đêm nghe ếch học bài” (...) cọc cạch. Rất đúng. Vì nó lạc ra ngoài không khí của toàn bài (…) tôi chữa lại”.(1) À, nhưng trước tiên tại sao lại “nghe ếch” khi “thực ra (...) vào thu (...) ếch bắt đầu chui vào hang (...) ngủ qua cả mùa đông. Có chọc, chúng cũng chẳng kêu nữa”? Hẳn nghe đây là nghe dư âm của tiếng ếch mùa hè ở trong lòng mình mà thôi. Nghe thế rất tự nhiên, vì cái tiếng “học bài” ấy nó cũng chỉ mới vừa ngưng. Chớm thu ngồi làm thơ, câu đầu vang tiếng hè có sao đâu, nhưng được “chữa lại” thì có văn chương hơn, nhắc “Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân” trong Kiều

Thôn xóm vào mùa

“Hạt mẩy uốn cong bông / Chim ngói bay đầy đồng / Đường thôn tiếng cười nở / Vàng tươi hoa cải ngồng / Sân kho máy tuốt lúa / Mở miệng cười ầm ầm / Thóc mặc áo vàng óng / Thở hí hóp trên sân / Thóc gài vàng tóc xanh / Thóc bay quanh tiếng cười / Trâu ngửi mùi rơm mới / Cái chân giậm liên hồi / Chị chủ nhiệm giũ rơm / Anh dân quân đập lúa / Thóc nở bung như sao / Nhuộm vàng cả trời cao / Tối về ông trăng đến / Cùng các đội bình công / Ấm nước chè tỏa nóng / Thơm như hương lúa đồng...” (1967). Cái đất nước chuyên trồng lúa từ nghìn xưa này đã trải qua biết bao nhiêu lượt thu hoạch... Nhưng tới quãng ấy trong lịch sử ta, thì quang cảnh “thôn xóm vào mùa” nó có những nét chưa ai từng thấy. Giữa những hình tiếng quen thuộc, bây giờ có chen vào một số hình tiếng lạ lùng, chẳng hạn cái máy tuốt lúa “cười ầm ầm” trên sân kho. Rồi khi “tối về ông trăng đến”, hẳn ông đã không khỏi bỡ ngỡ khi thấy cùng đến với mình là “các đội bình công”. Không biết những người lớn tuổi quen cảnh cũ cảm nhận cảnh mới ra sao. Chỉ biết có một cậu bé 9 tuổi đã đứng trông nó mà làm được những câu thơ gợi cảm.

Em dâng cô một vòng hoa

“Trưa nay em đến thăm cô / Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao / Sắc hoa râm bụt quanh ao / Tiếng chim vườn mẹ cùng vào thăm cô / Tiếng gì dưới cỏ non tơ / Xôn xao trong đất, nắng trưa bồn chồn / Vươn cao nòng pháo đầu thôn / Mồ cô nắng đắp vàng hơn mọi miền / Cô ơi! / Sông nước gọi tên / Nắng mưa phục kích, trăng lên đánh đồn / Thương cô sóng cuộn quanh cồn / Nhát dao giặc giết... / em còn thấy đau! / Em nghe mẹ kể đêm sâu / Hoe hoe đôi mắt, mái đầu phơ phơ / Thương cô bông lúa thêm mùa / Quả na bớt hạt, buồng dừa trĩu cây / Đồng em thêm tiếng máy cày / Mũ rơm đến lớp ngày ngày em chăm / Trăng suông sáng cả đêm rằm / Nhịp cầu vá vội, ầm ầm xe qua / Em dâng cô một vòng hoa / Thoảng nghe tiếng súng trời xa vọng về...” (1968). Thành tích chiến đấu dũng cảm của anh hùng Mạc Thị Bưởi ai nấy đều biết. Nhưng chắc chắn chính những giây phút cuối cùng của người nữ liệt sĩ đã kích thích tột độ cậu bé lên mười. Trong Hầu chuyện Thượng đế (2015), Trần Đăng Khoa kể: “Mùa hè năm 1968 (…) cùng bác H.T.N. đến thăm mộ (…) sau đó (...) thăm gia đình cô Bưởi (...) Các (...) đồng đội của cô (...) đã kể cho (…) nghe khá nhiều chuyện (…) Trong một trận càn, giặc bắt được cô (…) tra tấn rất dã man (…) rồi xẻo hai vú, giết cô ngay tại cầu ao nhà mình”. Giết bằng cách cầm một “lưỡi dao (hẳn không bén mà) nhay vào cổ”!!! Chi tiết kinh khủng gây ấn tượng nơi tâm hồn non trẻ mạnh đến nỗi sáu năm sau, khi viết trường ca “Khúc hát người anh hùng”, bấy giờ là thiếu niên, thi sĩ đã nhập vai cô Bưởi mà viết ra những dòng thơ tái hiện cảnh tượng: “Và vầng Mặt trời / Vầng Mặt trời / Vầng Mặt trời / Thật là rực rỡ / Sáng giữa nền xanh trong như tiếng chuông…”. Vẫn trong HCTĐ: “Mấy tiếng điệp ấy, là lưỡi dao giặc đang nhay vào cổ cô. Cô nằm trên cầu ao. Trước mặt chỉ còn bầu trời cao rộng và vầng Mặt trời chói lọi”. Đọc thơ đọc ký một người, nhớ lại bao nhiêu thơ ký khác về những tội ác chiến tranh của giặc ngoại xâm trong thời ấy, rồi nhớ tiếp sang những tội ác chiến tranh của giặc ngoại xâm trong giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến 30 năm, lần này được chính phía giặc thu ảnh thật rõ ràng, không khỏi lấy làm nghĩ ngợi. Nếu ta muốn báo oán, đó là hết sức tự nhiên. Hay quá, hoàn cảnh của một nước yếu nghèo đã giúp ta vượt được lên trên cái cám dỗ ấy. Ai làm quỷ Sa-tăng mặc ai, dân tộc Việt Nam cứ mãi mãi làm người.

Gửi theo các chú bộ đội

“Cháu nghe chú đánh những đâu / Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi / Đến đây chỉ thấy chú cười / Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi / Rồi từ nhà cháu, chú đi / Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về / Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè / Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo... / Chú qua bao suối bao đèo / Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công / Ngoài này cháu đứng cháu trông / Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây / Cháu về lớp cũ, tường xây / Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn / Chú đi phá nốt bốt đồn / Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi / Vẫn mong ngày chú trở về / Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi...” (1968). Nhớ “Các anh về mái ấm nhà vui / Câu hát tiếng cười / Rộn ràng xóm nhỏ / Các anh về tưng bừng trước ngõ / Lớp đàn em hớn hở theo sau...” (Hoàng Trung Thông, “Bao giờ trở lại”). Nhớ nỗi vui của các ông cụ bà cụ trong ký “Quê trung du”, “Nhà đồi” của Quang Dũng... “Bộ đội về làng” mà, trẻ già đều thấy vui như Tết. Trẻ là “lớp đàn em”, khoảng mười bốn mười lăm tuổi, chỉ vài năm nữa thôi sẽ ra đi nối gót “các anh” nếu kháng chiến chưa thắng lợi. Trẻ cũng là lớp cháu, mới lên bảy lên mười, còn là trẻ con. Trong “bầy con nít” có một số đứa khi lớn lên sẽ làm thơ về ấn tượng bộ đội trong tuổi thơ mình. Đặc biệt, có một đứa đã không đợi lớn mới làm, vừa đánh bi vừa gieo những vần ngây thơ nhưng chính là thơ...

Hương nhãn

“Hằng năm mùa nhãn chín / Anh em về thăm nhà / Anh trèo lên thoăn thoắt / Tay với những chùm xa / Năm nay mùa nhãn đến / Anh chưa về thăm nhà / Nhãn nhà ta bom giội / Vẫn dậy vàng sắc hoa / Mấy ngàn ngày bom qua / Nhãn vẫn về đúng vụ / Cùi nhãn vừa vào sữa / Vỏ thẫm vàng nắng pha / Em ngồi bên bàn học / Hương nhãn thơm bay đầy / Ve kêu rung trời sao / Một trời sao ban ngày / Vườn xanh biếc tiếng chim / Dơi chiều khua chạng vạng / Ai dắt ông trăng vàng / Thả chơi trong lùm nhãn / Đêm. Hương nhãn đặc lại / Thơm ngoài sân trong nhà / Mẹ em nằm thao thức / Nhớ anh đang đi xa...” (1968). Mặc “ngàn ngày bom qua”, cứ “đúng vụ” thì hoa “dậy vàng”, rồi ít lâu trên cây treo vô số viên bi “sữa” bọc trong một thứ “vỏ thẫm vàng nắng pha”. Mùa nhãn chín, ban ngày “em ngồi bên bàn học” nhưng mắt cứ ngước lên tàng cây rậm rạp che gần kín cả bầu trời. Có tiếng ve râm ran làm “trời sao” rung rung và tiếng chim lảnh lót làm xanh thêm khu vườn xanh biếc... Chiều cũng khó tập trung học bài, vì có bầy dơi bay “khua chạng vạng”, sục sạo tìm những viên bi sữa hớ hênh. Ban đêm, lại đến lượt “ông trăng vàng” lấp ló sau màn lá kéo mắt “em” rời khỏi trang vở… “Đêm. Hương nhãn đặc lại”, như sờ được. Có phải như cũng sờ được luôn, cái sự vắng mặt của một người “đang đi xa”!

Cầu Cầm

“Cầu Cầm là thế này / Đến giờ em mới rõ / Hàng cây bom chém dở / Lên chồi xanh thướt tha / Bạn nhỏ nào đi qua / Vai bay khăn quàng đỏ / Tiếng chim hót đâu đó / Nghe ngọt vị ổi đào / Ríu rít tiếng ai chào / Cánh đồng đang mùa gặt / Lúa vàng trong đáy mắt / Trời xanh trong lưỡi liềm / Chuyến xe đi rất êm / Cầu chùng như nhịp võng / Có tiếng ru của sóng / Có tiếng ru của trời / Sông ơi, nhớ thương ai / Mà bốn mùa nước đỏ / Con chim nghiêng mắt ngó / Phù sa hồng đôi chân / Như thế mà cầu Cầm / Một máy bay Mỹ rụng / Bây giờ những mũi súng / Vẫn vươn trong lòng người / Uống nước hố bom sâu / Nghé con vênh mặt cười…” (1969). Cầu Cầm ở Đông Triều (Quảng Ninh) là một trong rất nhiều cây cầu ở Miền Bắc nơi lực lượng phòng không của ta đã chiến đấu anh dũng chống lại chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. “Hàng cây bom chém (…) Lên chồi (…) Tiếng chim” làm nhớ thơ Chế Lan Viên: “Rừng cháy đen vẫn cành ra lộc / Chỗ cành xanh là chỗ chim gù”. Cây lên chồi, cành ra lộc, chim hót, chim gù, còn người thì trẻ em vẫn đi học, nông dân vẫn ra đồng cày cấy gặt hái, tất cả đều bất chấp mưa bom gió đạn tơi bời... Bài thơ này làm năm 1969, khi Mỹ vừa tạm ngừng đánh bom Miền Bắc. “Lúa vàng (…) Trời xanh”, năm nào mà chẳng có mùa gặt nhưng có phải năm nay một chút hương thanh bình bỗng thoảng trên quê ta? Vui thanh bình không làm quên khói lửa. Những mũi súng từng chỉa lên trời ngoài trời “bây giờ (...) vươn trong lòng người”. Vừa tự hào, ta vừa bâng khuâng. “Sông ơi”, chim ơi…

Đêm thu

“Thu về lành lạnh trời mây / Bỗng nhiên thức giấc nào hay mấy giờ / Ánh trăng vừa thực vừa hư / Vườn sau gió nổi nghe như mưa rào” (1972). Trăng bị mây che, như không, mà có. “Mưa” rào rào như có, mà không. Một “đêm thu”!

Hoa khế

“Chim hót rung rinh cành khế / Hoa rơi tím cả cầu ao / Mấy chú rô ron ngơ ngác / Tưởng trời đang đổ mưa sao” (1972). Chim líu lo, cành rung rinh, rô ron tung tăng, trời mưa sao tím... Cả một không gian xôn xao rộn rã thật thơ!

Tháng Ba

“Sau làn mưa bụi tháng Ba / Lá tre bỗng đỏ như là lửa thiêu / Nền trời rừng rực ráng treo / Tưởng như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay...” (1972). Nhớ mấy câu thơ Hoàng Cầm về sự tích thánh Dóng: “Ướm vết chân bãi phù sa sông Ðuống / Dựng tre làng Cháy / Sạt năm tầng mây lửa rực Phong Châu” (“Nắng phù sa”). Lửa đây là do con ngựa sắt của thánh Dóng nó thở phì ra! Vì hồi quang của buổi “Rạng đông thần thoại” vẫn còn rực rỡ trong lòng người Việt Nam thế kỷ 20, nên cậu bé 14 tuổi này mới trông cái “ráng treo” mà “tưởng như” có ngựa sắt đang bay trên trời.

Bãi Cháy

“Bãi đây, chẳng ngọn lửa nào / Bóng con còng gió lặn vào cát trưa / Mặn nồng vị muối ngàn xưa / Rào rào gió động hàng dừa. Nước lên / Long bong sóng vỗ thuyền nghiêng / Sắc trời, sắc biển xanh trên ngọn sào / Bãi đây, chẳng ngọn lửa nào / Đảo giương tím cánh buồm chào đón ta / Bom thù giội mấy mùa qua / Lửa bom đã tắt. Tím hoa sim rồi / Thông non nối đất liền trời / Tiếng ai thấp thoáng, nói cười xôn xao... / Bãi đây chẳng ngọn lửa nào / Chỉ ta với sóng lẫn vào Trong Xanh...” (1973). Cậu bé quê một hôm hình như đi thăm người anh, ra đến tận bờ bể. Ờ, cái “bãi đây” không biết có phải năm xửa xưa nào đã cháy rất dữ dội mà nên tên thế không nhỉ? Dù sao, trong non chục năm qua, nó đã bao nhiêu lần ngùn ngụt bởi bom đạn “giặc trời”. Mới năm ngoái thôi, màu đỏ và màu đen xấu xí (của lửa và khói) còn nhiều lần tô đè lên bức tranh biển đảo thần tiên Hạ Long. “Phong ba” nhân tạo qua rồi. Gió bây giờ hiền hòa, chỉ “động hàng dừa”. Sóng bây giờ cũng hiền, chỉ “vỗ thuyền nghiêng”. Giữa xanh trời xanh biển xanh dừa xanh thông chứa chan hy vọng, có chen vào “tím hoa sim” như một bâng khuâng… Ở bãi bể thanh bình, nên làm gì nhỉ? Kìa một “con còng gió (đang) lặn vào cát”, cậu bé thì đang theo “sóng lẫn vào Trong Xanh”... “Thông non nối đất liền trời”, còn cái tâm hồn non (mà không nớt) kia dường như nối một thời bão tố liền với một thời gió lặn sóng êm. (“Bãi Cháy” có chỗ giống “Cầu Cầm” là đều làm trong cái năm sau khi địch ngưng đánh bom Miền Bắc. Nhưng “hương thanh bình” ở Cầu Cầm năm 1969 là tạm, trong khi ở Bãi Cháy từ 1973 kẻ địch ấy không bao giờ trở lại.)

Cô Thị Mầu

“Lúa rơm tạm thu gọn lại / Màn phông căng đỏ sân đình / Điện xanh vòm đa cổ thụ / Người xem đông như mít-tinh / Xóm làng như xóm làng xưa / Trong tiếng trống chèo sâu vợi / Tiếng mõ đưa hương hoa đại / Len dần vào mọi tâm tư / Kìa, cô Thị Mầu lên chùa / Đỏng đảnh dáng đi, mắt liếc / Ngắm cái tay cô phẩy quạt / Tưởng mình sống đã trăm năm / Người xem thoáng như quên chị / Chiều nay gánh lúa trên đồng / Tần tảo nuôi em, nuôi mẹ / Mười năm ròng rã chờ chồng...” (1973). Tiếng trống chèo là một trong vài thứ âm thanh căn bản nhất của sinh hoạt cộng đồng truyền thống. Nó đi vào thơ từ lâu, hình như vang lên nhiều lần hơn cả trong thơ Nguyễn Bính. Hễ “mưa xuân phơi phới bay” hay “chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng” hay “giữa mùa thu / trời cao gió cả trăng như ban ngày”, làng mở hội cho dân vui chơi, là có “Bính” nhập bọn. “Bính” khác mọi người bởi chơi về rồi gieo vần đưa hội làng vào thơ, đưa luôn cả tiếng trống… Cách mạng và kháng chiến không hề làm mất chèo. Ngoài diễn cho dân làng thưởng thức như không biết từ thời nào, trong 30 năm khói lửa chèo còn vô số lần diễn để tiễn thanh niên làng lên đường làm nghĩa vụ. Chế Lan Viên có lần nhập vai chiến sĩ: “Đánh giặc mười năm vẫn nhớ ngày / Điệu chèo đưa tiễn dưới hàng cây / Nhớ sao màu áo màu hoa ấy…”… Năm 1973, Cách mạng lâu rồi, dân làng “mít-tinh” đã thành nếp rồi, thế mà “xóm làng (vẫn) như xóm làng xưa”. Cái “như xưa” này không hời hợt đâu, mà “sâu vợi” y như tiếng trống chèo. Nó thể hiện thành bao nhiêu phụ nữ trẻ đảm đang, “tần tảo nuôi (…) ròng rã chờ”. Một nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam mấy nghìn năm chọn trú trong thơ của một trẻ vị thành niên!

Hoa duối

“Vườn xôn xao thánh thót / Năm cánh xòe vàng tươi / Ngỡ sao đêm xuống hát / Mải vui quên về trời...” (1973). Ngỡ là sao, hóa ra là hoa. Cái tiếng “hát” của sao của hoa, đã có ai khác từng nghe?

Khi mùa thu sang

“Mặt trời lặn cuối làng xa / Ngọn khói xanh lên lúng liếng / Vườn sau gió chẳng đuổi nhau / Lá vẫn bay vàng sân giếng / Xóm ngoài, nhà ai giã cốm / Làn sương lam mỏng rung rinh / Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ / Tự mình làm nên bức tranh / Rào thưa, tiếng ai cười gọi / Trông ra nào thấy đâu nào / Một khoảng trời trong leo lẻo / Thình lình hiện lên ngôi sao / Những muốn kêu to một tiếng / Thu sang rồi đấy. Thu sang! / Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến / Cõng cháu chạy rông khắp làng...” (1973). Mặt trời lặn đỏ, khói lên xanh, lá bay vàng, sương lam rung rinh như bởi tiếng chày giã cốm... Vừa vặn lúc ấy, “bạn nhỏ cưỡi trâu” xuất hiện, thế là vất cọ, xong tranh! Hết tranh này, đến tranh khác. Tranh kế tiếp cực thoáng và gần như không màu, với nền là “một khoảng trời trong leo lẻo” và “làm nên” bởi một “ngôi sao thình lình hiện lên”. “Tiếng ai cười gọi”, hay là tiếng sao mời trông ra xem mình đấy! Năm 1973, hàng trăm năm sau Nguyễn Khuyến, “thu sang” ở quê vẫn còn được thi nhân ta cảm nhận thật kỹ. Gần nửa thế kỷ rồi, thu lại đang sang, chẳng biết nơi thôn ổ có hồn thơ nào đang tận cảm thu chăng? Tranh thu nay hiếm khói xanh (bởi xóm làng đã chuyển qua dùng điện), hiếm bóng “bạn nhỏ...”, nếu hiếm luôn những người xem rồi “muốn kêu to một tiếng”, cũng là tự nhiên thôi.

Sương muối

“Bất ngờ trắng ngõ, móc sa / Cỏ cây đỏ sém như hoa dong giềng / Làng xa cuồn cuộn gió lên / Rập rờn dải lửa cháy bên chân trời...” (1973). Trắng lạnh mà đốt “cỏ cây đỏ sém”! Cây cháy “rập rờn”, nhưng chẳng có tí khói nào! Bài thơ tức cảnh của cậu bé 15 tuổi, tưởng tuổi nào cũng khó làm hay hơn.

Mưa xuân

“Mưa bay như khói qua chiều / Vòm cây nghe nhỏ giọt đều qua đêm / Tiếng mưa vang nhẹ khắp miền / Lòng rung như chiếc lá mềm khẽ sa / Sáng ra, mở cửa nhìn ra / Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô…” (1974). Mưa xuân là mưa bụi. Những hạt nước nhỏ như hạt bụi gặp lá cây bám vào, rất nhiều hạt bám mới thành được những giọt để bắt đầu rơi xuống… Mưa như thế thì tiếng “vang nhẹ” lắm, nhưng tuy nhẹ lại vào được tận một lòng niên thiếu rất nhậy cảm kia khiến nó khẽ rung… “Sáng ra”… Vì trước cửa không có lá cây để bụi nước bám, nên “mưa bay như khói qua sáng” không để lại vết gì trên đất.

Ở ngoại ô thành phố

“Mưa bay trắng những cao tầng đơn độc / Bỗng bất ngờ nghe vọng tiếng bò, bê / Hồn dân dã sao mà dai dẳng thế / Đến tìm tôi tưởng tôi lạc lối về…” (1974). “Những cao tầng” đã thôi “đơn độc” lâu rồi. Tới phiên “bò, bê”. Bây giờ thứ tiếng ấy khó thể thực sự đến tai “tôi”, thi thoảng có nghe gì chăng thì e đó là “hồn dân dã” từ đáy thời gian bay đi tìm cậu thiếu niên năm xưa vừa lọt vào lòng thi sĩ lục tuần...

Trong sương sớm

“Sao Mai chờn vờn ngang mặt / Nam Tào Bắc Đẩu gần thôi / Vừa mới bước qua ngõ duối / Đã đi lơ lửng giữa trời / Cổng làng bồng bềnh mây nổi / Bốn bề sương khói ngổn ngang / Trâu quên đôi sừng lấm đất / Tưởng mình lững thững lên Trăng / Tán đa bừng ra đột ngột / Có ai? Ơ bác thợ cày / Ngồi thổi nùn rơm, rít thuốc / Sau lưng, đồng lếnh láng bay…” (1974). Sương có khi mỏng: “Ngày trước sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có thôi” (Nguyễn Tuân). Sương có khi dày đến nỗi “mắt tuy mở” mà coi như không thấy gì cả, nên “lòng (cũng) không thấy nữa” (Xuân Diệu). Sương có khi vừa, khiến người đi tuy như “lơ lửng giữa trời” nhưng vẫn thấy được “cổng làng” giữa “sương khói ngổn ngang”, thấy cả “ơ bác thợ cày” trên nền “đồng lếnh láng bay”… Cái “sương vừa” chớm thu nó thêm cho làng quê một kích thước lãng mạn, nhưng không bớt đi cái kích thước lam lũ. Trâu vừa “lững thững lên Trăng”, lại sắp xuống đồng hì hục!

Về thăm cô Bưởi

“Về thăm cô Bưởi chiều nay / Lúa reo vàng đất, mây bay trắng trời / Sông Kinh bên lở bên bồi / Mái gianh nghiêng xuống bao đời vẫn xưa / Mẹ già, một nắng hai mưa / Rưng rưng mái tóc bạc phơ tháng ngày / Lá vàng còn ở trên cây / Nghe câu hát cũ dâng đầy hồn ta / Mẹ ơi, xin mẹ đừng già / Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi / Sông Kinh bên lở bên bồi / Một người ngã xuống, bao người nảy sinh / Mái gianh ơi hỡi mái gianh / Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương / Bóng cau vẫn ngả ngang vườn / Lá tre gió vẫn thổi vương ngõ ngoài / Cô đi mấy chục năm rồi / Bãi sông độ ấy, cát bồi đã xa / Đồng lầy đầy lác cô qua / Mấy mùa lúa đã trổ hoa thơm lừng / Phi lao mát rượi bờ vùng / Máy cày lật đất vật từng rãnh sâu / Chẳng ai nguôi nỗi xưa đau / Nỡ quên giọt máu thấm sâu đất này... / Bờ ao hoa bụt lắt lay / Hoa ơi có nhớ những ngày gian nan / Cầu ao oan khuất bắc ngang / Nơi đây gửi lại muôn vàn nhớ thương… / Dù cô dừng lại giữa đường / Cuộc đời như lúa thơm hương giữa đồng / Cô như con sóng giữa sông / Phù sa giữa đất, trăng trong giữa trời / Bóng cô đi giữa triệu người / Hôm nay và cả muôn đời mai sau...” (1974). Trong bài “Cô Bưởi” thứ nhất có “vươn cao nòng pháo”, “nhịp cầu vá vội, ầm ầm xe qua”, “tiếng súng trời xa”. Cũng có cả “tiếng máy cày”. Nhưng trong bài “Cô Bưởi” thứ hai thì chỉ có “máy cày lật đất” mà không còn hình tiếng gì của các chiến cụ nữa. Thế là tự nhiên, vì bài trước làm năm 1968, bài sau làm năm 1974. Ngày toàn thắng đã sắp đến. Nó đến chẳng sớm đâu, bởi “Cô đi mấy chục năm rồi”. Đã biết bao nhiêu người “ngã xuống”, “dừng lại giữa đường”, bao nhiêu “giọt máu thấm sâu đất này”... Trên “đất này”, liệt sĩ “đi” mà không bao giờ “khuất”: “Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất / Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về…” (Nguyễn Đình Thi). Trong vô số tiếng vọng tới “Hôm nay và cả muôn đời mai sau”, có tiếng của một “buổi ngày xưa” khi một người phụ nữ Việt Nam đã vô cùng anh dũng hy sinh.



Thu Tứ
Viết tháng 9-2018
Sửa mới nhất 2-2023















__________
(1) Nguyễn Công Trứ: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”.
(2) Trần Đăng Khoa,
Tuyển thơ, 2016.