“Tố Hữu - Tổng quan thi nghiệp”




Hỏi: Có lẽ ta bắt đầu với những số liệu căn bản…

Đáp: Vâng. Tố Hữu sáng tác tổng cộng 246 bài thơ, 245 bài trong 6 tập: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và hoa (1977), Một tiếng đờn (1992), thêm bài “Tạm biệt” làm trước khi mất năm 2002. Đa số dài, nhiều bài rất dài, như “Theo chân Bác” gần 500 câu. Hầu hết có ghi năm tháng sáng tác.

Hỏi: Thi nghiệp Tố Hữu gồm mấy thời kỳ, theo ông?

Đáp: Tôi thấy có bốn: từ đầu tới Cách mạng tháng Tám, từ CMT8 đến ngày Giải phóng Thủ đô, từ ngày GPTĐ đến ngày Toàn thắng và từ đó đến…

Hỏi: Nhưng đó chính là những thời kỳ trong lịch sử hiện đại nước ta!

Đáp: Tố Hữu đã diễn ca sử nước từ năm 17 tuổi đến năm 72 tuổi. Hơn nửa thế kỷ làm thơ mà thơ gần như chỉ chứa có lòng yêu nước thương dân. Dù tính cả văn xuôi, cũng không có tác giả nào khác có sự nghiệp dài và “chuyên” như vậy.

Hỏi: Thi nghiệp độc đáo ấy đã “khởi” như thế nào?

Đáp: Trong hồi ký Nhớ lại một thời, Tố Hữu kể ở Huế lúc ông còn nhỏ có một “danh nhân (…) được mọi người hết sức tôn kính (…) là cụ Phan Bội Châu”. “Ông già Bến Ngự” viết nhiều văn thơ sôi nổi cổ động yêu nước, trong đó nổi tiếng nhất là “Bài ca chúc Tết thanh niên”: “Dậy! Dậy! Dậy! / (…) / Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa / Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ / (…)”. Cậu bé Tố Hữu “dậy”, “mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội”, bèn “ghé vai vào xốc vác cựu giang san”, mới 15 tuổi đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản. Đến khoảng tháng 10-1937, do gợi ý của Phan Đăng Lưu bấy giờ là chủ bút báo Dân của Đảng, Tố Hữu bắt đầu làm thơ.

Hỏi: Thơ Tố Hữu thời kỳ thứ nhất gồm những nội dung gì?

Đáp: Nội dung xuất phát là lòng thương đồng bào khốn khổ. Lòng thương ấy dẫn đến nội dung chính là kêu gọi đồng bào đấu tranh. Đấu tranh trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn tất nhiên phải nhiều lần thất bại. Do đó, thơ Tố Hữu thời kỳ này có chứa tâm sự trong tù, cảm xúc về Nam kỳ Khởi nghĩa v.v. Sau 67 bài chứa những nội dung tối hoặc sáng le lói, mùa thu năm 1945 thình lình xuất hiện “Huế tháng Tám” vô cùng rực rỡ! Bao nhiêu bi thương, phẫn hận, khắc khoải, khấp khởi vụt được thay thế bằng hân hoan tột độ!

Hỏi: Lúc đó đang có phong trào thơ Mới. Ông nghĩ thơ Tố Hữu có thuộc vào phong trào này không?

Đáp: Chắc chắn. Vì đại đa số thơ Tố Hữu thời 37-45 được làm theo các lối Mới, chủ yếu là lối tám chữ có gốc ở hát nói và lối bảy chữ nhịp 4-3 có gốc ở thơ Đường luật. Lối tám chữ lên lên xuống xuống như người đang sôi nổi nói điều gì với ai, thích hợp để diễn những tình cảm dạt dào, chan chứa. Lối bảy chữ nhịp 4-3 thì trầm, nghe như cảm nghĩ miên man khe khẽ lên lời. Lối tám chữ được Tố Hữu sử dụng thường hơn.

Hỏi: Ông nghĩ sao về thơ tám chữ của Tố Hữu?

Đáp: Tôi thấy Tố Hữu vận dụng cái chất “nói” trong thơ tám chữ hiệu quả không kém Xuân Diệu chút nào. Đây Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ / Em, em ơi, tình non đã già rồi / Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi / Mau với chứ, thời gian không đứng đợi / (…)” (“Giục giã”). Đây Tố Hữu: “(…) / Hãy đứng dậy! Ta có quyền vui sống! / Cứ tan xương, cứ chảy tủy, cứ rơi đầu! / Mỗi thây rơi sẽ là mỗi nhịp cầu / Cho ta bước đến cõi đời cao rộng” (“Hãy đứng dậy”), “(…) / Tiếc làm chi? Thế cũng đã sống rồi / Trường giông tố mấy năm trời vật lộn / Với cách mạng, tôi không hề đùa bỡn / (…) / Sống đã vì cách mạng, anh em ta / Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà! / Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng / Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng / Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành / Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh / Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng” (“Trăn trối”), “(…) / Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng / Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công / Như những con tàu giữa biển mênh mông / Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến / (…)” (“Như những con tàu”), “Không thể nữa, lưng chừng hay tính toán / Trọn đời ta rút gọn ở giờ này / Bão đã rốc thổi già trên biển loạn / Sống là đây mà chết cũng là đây / Không thể nữa, lơi chèo hay quay lái / (…) / Dầu phải chết một phần ta, cứ chết! / Không kêu ca, không tiếc hối, than phiền / Quyết không để cả đoàn tan nát hết / Bạn thuyền ơi! Nỗ lực bơi chèo lên!” (“Giờ quyết định”). Để ý Tố Hữu hùng hồn ngay cả khi tuyệt thực gần chết, đang nói lời tuyệt mệnh!

Hỏi: Thế còn về lối thơ bảy chữ nhịp 4-3?

Đáp: Lối ấy Huy Cận hay làm, chẳng hạn: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song / Thuyền về nước lại sầu trăm ngả / Củi một cành khô lạc mấy dòng / (…)”. Tố Hữu cũng hay làm, nhưng có khuynh hướng chen vào những câu nhịp Việt 3-4: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / Mặt trời chân lý chói qua tim / Hồn tôi là một vườn hoa lá / Rất đậm hương và rộn tiếng chim... / Tôi buộc lòng tôi với mọi người / Để tình trang trải với trăm nơi / Để hồn tôi với bao hồn khổ / Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời / (…)” (“Từ ấy”). Có người bảo: “Câu thơ thất ngôn Việt nhất định cự tuyệt một cuộc chung sống với câu thất ngôn Tàu”.(1) Không thể đúng, vì đoạn thơ vừa dẫn rất hay! Người ấy nhận xét sai vì đã không đọc lại kỹ thơ bảy chữ Mới. Trong thơ bảy chữ Mới, “cuộc chung sống” có xảy ra, ngay bài “Tràng giang” của Huy Cận cũng chứa câu “Không cầu gợi chút niềm thân mật” rõ ràng là nhịp 3-4. Nếu đọc lại toàn bộ thơ bảy chữ của Huy Cận, ta sẽ bắt gặp câu nhịp 3-4 một số lần nữa. Trong tất cả những lần xuất hiện, nó đều sống vui vẻ với những câu nhịp 4-3, không hề làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ. Có điều này đáng chú ý: cùng trộn nhịp Việt vào nhịp Tàu, Huy Cận làm ít, trong khi Tố Hữu làm càng ngày càng nhiều, tại sao? Chúng tôi thấy dường như nhịp 3-4 nó không đằm như nhịp 4-3. Có phải vì nội dung nói chung đằm của thơ Huy Cận hợp với nhịp 4-3, nên ta chỉ gặp nhịp 3-4 lác đác như một sự tình cờ, trong khi nội dung “nước nhục dân khổ - đấu tranh” của thơ Tố Hữu nó khiến ngay vào những lúc nhà thơ cố “khe khẽ” thì chốc chốc cảm xúc vẫn bồng lên làm thơ tự nhiên chuyển qua một nhịp khác thích hợp hơn?

Hỏi: Cuối cùng, về hai lối 68 và 7768 thân như lời mẹ ru…

Đáp: Các nhà thơ Mới đều có làm thơ lục bát. Gần 20% thơ Tố Hữu thời 37-45 là thơ lục bát. Tố Hữu cuối đời có lần nhận xét: “… lục bát thì hơi nhẽo”(2), nhưng đó là nói chung thôi, chứ chẳng những 68 mà cả 7768 “nhẽo” hơn nữa vẫn có thể diễn hiệu quả cảm xúc mạnh, như chính ông chứng tỏ qua hai bài “Đói! Đói!”“Bà má Hậu Giang”. Làm người Việt Nam, đọc “(…) / Bà con ơi, tính sao đây? / Bã nâu thính trấu nhét đầy bụng sao? / Ăn xin, xin chẳng có nào / Nằm lăn mà khóc, mà gào ai thương? / Há đành chết lặng trên giường / Há đành gục xuống bên đường chết queo? / (…) / Bà con ơi, chớ tần ngần / Cứu đời ta sống, phải cần tay ta! / Tiến lên hăng nữa, đừng tha / Cầm dao, cầm súng xông ra phen này! / (…)”“Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc / Phèng la kêu, trống giục vang đồng / Đường quê đỏ rực cờ hồng / Giáo lê sáng đất, tầm vông nhọn trời / Quyết một trận, quét đời nô lệ / Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông! / Hỡi ôi! Việc chửa thành công / Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang / (…) / Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó! / Cướp nước tao, cắt cổ dân tao! / Tao già không sức cầm dao / Giết bay, có các con tao trăm vùng! / Con tao, gan dạ anh hùng / Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm! / Thân tao chết, dạ chẳng sờn!” / Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi! / Một dòng máu đỏ lên trời / Má ơi, con đã nghe lời má kêu! / Nước non muôn quỷ ngàn yêu / Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang”, mà không thấy lòng mình sôi lên tới hơn một trăm độ sao!

Hỏi: Thơ Tố Hữu vừa Mới vừa hay thế, thế mà vắng mặt trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh…

Đáp: Với nội dung như vừa trình bày, làm sao có mặt được! Sự kiện này về sau trong bài thơ “Ngoảnh lại mười lăm năm” Chế Lan Viên có nhắc: “Giữa lúc tôi đi học / Thì thân anh tội tù / (…) / Giặc cấm cả thơ anh / Không vào văn học sử”.

Hỏi: Ta bước sang thời kỳ thứ hai…

Đáp: Từ tháng 9-1945 đến tháng 10-1954 Tố Hữu làm 30 bài thơ, ít đi so với 68 bài từ 10-1937 đến 8-1945. Tôi nghĩ đó là do ông bận rộn hơn trước nhiều.

Về thể cách, tỉ lệ thơ truyền thống (chủ yếu 68) tăng lên hẳn. Như vậy rất tự nhiên, bởi nhờ phong trào bình dân học vụ thơ Tố Hữu lúc này có thêm vô số độc giả là những người chỉ quen thuộc với các lối thơ truyền thống. Một số bài tiêu biểu là “Trường tôi”, “Bà bủ”, “Bài ca của người du kích”, “Bầm ơi”, “Phá đường”, “Cho đời tự do”, “Lượm”… Tỉ lệ thơ Mới giảm, với lối bảy chữ nhịp 4-3 chen câu nhịp 3-4 tiếp tục phát triển: “(…) / Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều / Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo / Núi không đè nổi vai vươn tới / Lá ngụy trang reo với gió đèo / (…)” (“Lên Tây Bắc”). Ngoài thơ truyền thống và thơ Mới, ta thấy bắt đầu xuất hiện những bài trộn ba bốn lối thơ, chẳng hạn mở đầu bằng lối bốn chữ rồi chuyển sang lối tám chữ rồi chuyển nữa sang lục bát rồi trở lại lối tám chữ v.v. Những bài này lại thường có một số câu ngắn hay dài rất bất thường.

Hỏi: Còn về nội dung, ông thấy gồm những gì?

Đáp: Nếu kể theo thứ tự thời gian, đầu tiên ta có hân hoan trước những đổi thay quanh mình sau CMT8, có tình đoàn kết với đồng bào Nam bộ vừa bắt đầu kháng chiến, có cảm động trước quang cảnh “Trường tôi” (bình dân học vụ), rồi sau đêm 19-12-1946 thì có thêm cảm khái “Giữa thành phố trụi”, chia sẻ tâm sự của nhân dân cả nước đang chịu đựng muôn vàn do kháng chiến ngày càng ác liệt v.v. Dĩ nhiên trên hết lúc nào cũng là lòng yêu quý trân trọng những người trực tiếp xông pha lửa đạn. Do chủ trương cho văn nghệ sĩ đi theo chiến sĩ ra trận, trong thơ Tố Hữu có cả cảm xúc trước giờ nổ súng: “(…) / Bao đồng chí của ta bay đã giết / Chặt đầu cắm cọc phơi khô / Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ / Con em ta bay quẳng chân vào lửa / Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa / Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang! / Chúng bay cười? / - Ðến giờ chưa đồng chí? / Năm phút nữa? Sao mà lâu thế nhỉ! / (…) / Chúc đồng chí bắn thẳng vào cho đúng / Xé tan đồn nát xác chúng ra! / (…) / Ơi các anh xung kích dưới cỏ âm thầm / Hãy sẵn sàng tay mác nhảy lên đâm / Giết, bắt sống, không mống nào được thoát! / (…)”. Đọc bài “Bắn!” này, làm sao khỏi nhớ những dòng “Lửa sinh nhật” cũng cực kỳ “nóng” của Nguyễn Tuân. Nội dung thơ Tố Hữu bây giờ màu sắc tươi tắn khác hẳn thơ trước Cách mạng. Đặc biệt ở cuối thời kỳ, niềm hân hoan khôn xiết trước đại thắng, quyết tâm sắt đá vượt thử thách mới, tình cảm nhớ mà vui khi rời vùng căn cứ địa và nỗi mừng mừng tủi tủi khi về lại Thủ đô được thể hiện thành những dòng thơ thật tưng bừng chói lọi!

Hỏi: Hẳn ông muốn nhắc đến các bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Ta đi tới”, “Việt Bắc”, “Lại về”

Đáp: Vâng. Bốn bài ấy cùng nhau làm nên kết thúc tuyệt đẹp cho thơ Tố Hữu thời kỳ 1945-1954, y như “Huế tháng Tám” đã kết thúc thời kỳ 1937-1945. Ngoài “Việt Bắc” diễn nỗi nhớ mà vui thành lục bát uyển chuyển, du dương, ba bài kia đều trộn lối một cách hiệu quả. “Lại về” mở đầu bằng nhiều đoạn năm chữ ôn “Cay đắng tám năm ròng”, chuyển sang một đoạn bảy chữ reo lên khe khẽ “Về đến đây rồi Hà Nội ơi!”, rồi chuyển tiếp luôn sang ba đoạn 68 rộn rã, ngân nga: “(…) / Bây giờ đây lại là đây / Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ”. Cái ngày lịch sử như thơ ấy đã được thơ lên đích đáng!

Hỏi: Đường kháng chiến dĩ nhiên còn rất dài. Ông có những nhận xét gì về thơ Tố Hữu trong thời kỳ từ tháng 1-1955 tới tháng 5-1975?

Đáp: Trong quãng hơn 20 năm ấy, Tố Hữu làm 71 bài thơ. So với 30 bài trong 9 năm thời kỳ trước, thì bình quân coi như không khác.

Về thể cách, tỉ lệ thơ truyền thống giảm, chắc là giảm theo độ tiếp xúc trực tiếp với quần chúng, chiến sĩ. Mặt khác, để tâm sự khúc nhôi từ “Thuở nô lệ, thân ta nước mất / Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm / Một đời đau suốt trăm năm / Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao” đến ngày “Ôi Tổ quốc, vinh quang Tổ quốc! / Ngàn muôn năm dân tộc ta ơi! / Việt Nam anh dũng sáng ngời / Ánh gươm độc lập giữa trời soi chung” và hướng tới tương lai “Trăm sông về một Biển Đông / Bắc Nam sẽ lại về trong một nhà!”, chẳng có lối thơ nào hợp bằng 7768 cũ kỹ, do đó ra đời khúc ngâm “Ba mươi năm đời ta có Đảng” dài hơn 250 câu vô cùng tha thiết. Và để kể vô số điều mắt thấy tai nghe lòng cảm óc nghĩ trong chuyến “Nước non ngàn dặm” vào thăm Miền Nam năm 1973 thì còn chọn lựa nào nữa ngoài lục bát: “Nửa đời tóc ngả màu sương / “Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê” / Đường vào như tỉnh như mê / Đường ra phía trước, đường về tuổi xuân / (…) / Anh về Quảng Trị... Gio Linh / Trèo lên dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang / Bời bời cỏ lút đồng hoang / Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn / (…) / Xe lên đường 9 cheo leo / Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau / Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu / Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh / (…) / Chợt nghe... từ tuổi hai mươi / Tiếng xiềng Lao Bảo gọi người bạn xưa / Ngỡ ngàng rẽ lối le thưa / Vông đồng mấy cội, xác xơ lá cành / Hoang tàn hầm đá, đồn canh / Bâng khuâng nhớ bóng các anh những ngày! / (…) / Trường Sơn mây núi lô xô / Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng... / (…) / Lán đêm, ghé tạm trạm binh / Giường cây lót lá cho mình đỡ đau / Nghĩ người, thăm thẳm rừng sâu / Mười năm bom đạn, măng rau, sốt ngàn / Xê Công, Xê Nọi, Chà Vàn / Mở đường, bao nỗi gian nan với đường! / Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang / Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng / Trường Sơn, vượt núi, băng sông / Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa / Trường Sơn, đông nắng, tây mưa / Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình / (…) / Xê Xan, tan nát đạn cày / Trống trơ rừng khộp, khô gầy rừng le / Bằng lăng bạc nắng trưa hè / Nghe như cưa xẻ, tiếng ve rít dài / (…) / Đơn sơ một khúc cầu con / Một khe suối nhỏ, cũng hồn quê ta / Ôi, gò đất mịn son pha / Thắm tươi dòng máu ông cha bao đời... / (…) / Trăng còn che nửa bóng mây / Mà rừng lá nón đêm nay ngời ngời / Gặp nhau, đồng chí đây rồi! / Xôn xao hết đứng lại ngồi bên nhau / Chuyện nhà, Nam Bắc, trước sau / Mừng ra nước mắt, nên đau lại cười / (…) / Phải chi còn Bác vô chơi! / Bỗng nghe cháu nói... đất trời lặng thinh / (…) / Đường đi... hay giấc mơ dài? / Nước non ngàn dặm nên bài thơ quê”. Chao ơi, 318 câu mây trôi nước chảy truyền cảm lạ lùng!

Hỏi: Thể cách truyền thống tuy ít đi nhưng lại có hai tác phẩm đầy ấn tượng. Thế còn các lối thơ khác thì sao?

Đáp: Trong hai lối thơ Mới tiêu biểu, lối tám chữ tiếp tục giảm, lối bảy chữ nhịp 4-3 tăng lên với số câu nhịp 3-4 chen vào nhiều hơn trước. Thực ra, khi số câu theo nhịp 3-4 đạt một tỉ lệ nào đó thì không thể gọi là thơ Mới nữa, chúng tôi xin tạm gọi là thơ bảy chữ “mới hơn Mới”. Đây vài ví dụ trong đó tỉ lệ nhịp 3-4 lên cao tới 100%: “(…) / Mỗi góc núi xây thành chiến lũy / Mỗi đầu thôn thành một pháo đài / Mỗi viên đạn một đời thằng quỷ / Mỗi lối đi một hố chông gài / (…)” (“Quang vinh Tổ quốc chúng ta”), “(…) / Anh bước lên, nhức nhối chân đau / Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu / Quần áo trắng một màu thanh khiết / Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết / (…)” (“Hãy nhớ lấy lời tôi!”), “(…) / Chiến tranh nổ. Gần xa hùm sói / Cắn cổ nhau. Pháp bại, Nhật vào. / Thân một cổ hai tròng buộc trói / Phải vùng lên, này súng này dao! / Bắc Sơn gọi, Nam kỳ nổi dậy / Sống một ngày hơn mấy mươi năm / Lửa căm giận sôi dòng máu chảy / Sức mỗi người bỗng hóa thành trăm! / (…) / Chúng đến đó. Cả bầy hùm sói. / Pháp theo Anh, một giống thực dân / Máu đã chảy. Miền Nam đã gọi. / Những chuyến tàu hối hả ra quân... / (…) / Giặc đã đánh. Thì ta quyết đánh! / Thà hy sinh tất cả, không nao / Lời Bác gọi, nửa đêm vang lệnh: / - Hãy xông lên, chiến sĩ, đồng bào! / (…)” (“Theo chân Bác”), “Ôi đất mẹ hiền từ, yêu quý / Có nơi đâu, trên trái đất này / Như Miền Nam, đắng cay, chung thủy / Như Miền Nam, gan góc, dạn dày! / Đầu Tổ quốc, chính đây tiền tuyến / Mũi Cà Mau, nhọn hoắt mũi chông / Xưa, xung kích, tầm vông kháng chiến / Nay, hiên ngang, một dải Thành Đồng! / (…)” (“Có thể nào yên”).

Hỏi: Tại sao lối tám chữ “thất thế” và lối bảy chữ mới hơn Mới ra đời, theo ông?

Đáp: Tôi cho rằng then chốt nằm ở bản chất của câu bảy chữ nhịp 3-4. Nó hoàn toàn dân tộc, có gốc trong tục ngữ, ca dao. Nó đã đi vào 7768. Nhưng nó còn có tiềm năng giúp cấu tạo một lối thơ khác. Nếu cả đoạn gồm toàn câu nhịp 3-4 và việc nối vần được thực hiện ở cuối câu, như ta thấy trong mấy ví dụ trên, thì thơ sẽ có giọng đặc biệt rắn rỏi, mạnh mẽ. Cụ thể là “rắn mạnh” hơn hẳn lối tám chữ “lên lên xuống xuống”.

Hỏi: Ông cho rằng cái gì đã khiến Tố Hữu viết những câu thơ như vậy?

Đáp: Tôi nghĩ nhiệt độ mỗi lúc mỗi cao của cuộc trường kỳ kháng chiến thống nhất đất nước làm cho khi nói thì thơ bây giờ muốn nói bằng một giọng quyết liệt hơn trước kia. Trong thời kỳ này lối thơ tám chữ ít hẳn đi, chắc chủ yếu bởi nó bị thay thế bằng thơ bảy chữ mới hơn Mới.

Hỏi: Có lẽ cũng cần giải thích tại sao nhịp 4-3 vẫn tiếp tục hiện diện…

Đáp: Thiết tưởng đó là do dù ngay giữa thời kỳ dầu sôi lửa bỏng nhất, lòng ta không sôi liên tục mà vẫn có những lúc đằm.

Hỏi: Những bài thơ trộn lối trong thời kỳ này đã phát triển ra sao?

Đáp: Chúng phát triển mạnh. Tôi chợt nhớ bài hát nói cũng trộn lối. Hát nói là một thể thơ rất phóng túng. Những bài thơ của Tố Hữu ta đang nhắc đây còn phóng túng hơn. Tưởng có thể xem đây là “hát nói mới”. Cũng như lối bảy chữ mới hơn Mới, lối hát nói mới ứng dụng rất hạn chế. Nhưng dùng đúng dịp như Tố Hữu nhiều lần làm, thì kết quả có lẽ tốt hơn dùng bất cứ lối thơ đã có sẵn nào.

Hỏi: Như vậy về thể cách, thơ Tố Hữu đã diễn biến đặc biệt đáng chú ý. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Đáp: Tôi nghĩ thứ nhất, diễn biến ấy đã xảy ra một cách hoàn toàn tự nhiên, thuần túy theo đà cảm xúc và được gợi hứng bằng một cái vốn văn truyền khẩu bình dân hẳn là rất đáng kể. Chắc chắn Tố Hữu đã không “tính toán” ra những thay đổi ta thấy trong hình thức thơ ông, y như các nhà tiên phong thơ Mới đã không tính toán ra các thể thơ Mới, y như các nho sĩ đã không tính toán ra lối thơ hát nói, và y như tổ tiên ta xưa hơn nữa đã không tính toán ra lục bát và song thất lục bát. Thứ hai, tôi thấy diễn biến thơ Tố Hữu như vậy là tương phản hoàn toàn với diễn biến “thơ tự do” trong vùng kiểm soát của “Việt Nam Cộng hòa”.(3) Một đằng ra đời từ đáy lòng một người Việt Nam thấm nhuần và tự hào về văn hóa Việt Nam, một đằng xuất phát từ “đầu môi chót lưỡi” của một người Việt Nam khác vừa mang tâm lý tự ti trước phương Tây vừa có thái độ xem thơ như một món hàng. Đằng đích thực, chân chính, đằng giả cầy, bịp bợm! Nhân đây, tôi cũng xin nêu rằng không riêng gì trong thơ Tố Hữu mà trong toàn bộ thơ cách mạng và kháng chiến ta cũng thấy cái diễn biến thay đổi thể cách một cách tự nhiên này. Hướng thay đổi là trở nên “tự do” hơn thơ Mới, coi như chỉ còn giữ vần.

Hỏi: Bây giờ ta chuyển qua phần nội dung của thơ Tố Hữu thời kỳ 1955-1975.

Đáp: Dĩ nhiên nội dung chính là cuộc kháng chiến chống Mỹ để thống nhất đất nước, bắt đầu với cảm xúc mạnh mẽ về những cuộc đàn áp đẫm máu, giết người hàng loạt, những vụ tra tấn cực kỳ dã man ở Miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Sau khi đấu tranh vũ trang khởi sự, thơ chứa cảm nhận sâu sắc về cuộc chiến đấu anh dũng của quân Giải phóng, sự hy sinh tột bực của đồng bào Miền Nam, nhiệt liệt ca ngợi bộ đội Miền Bắc lên đường vào Nam, nhân dân Miền Bắc hết lòng ủng hộ tiền tuyến, quân dân Miền Bắc kiên cường chống chiến tranh phá hoại của Mỹ… Khác với thời đánh Pháp, do hoàn cảnh công tác, thơ về kháng chiến của Tố Hữu thời kỳ này thiên về khái quát hơn là cụ thể, với ngoại lệ nổi bật là bài “Nước non ngàn dặm”.

Nội dung thứ hai là tâm trạng phấn khởi trước những đổi thay trong đời sống của nhân dân, nhất là từ cuối thập kỷ 1950, sau Sửa sai, khi những nỗ lực kiến quốc bắt đầu được tiến hành đúng hướng và qui mô. Làm đường, thủy điện, thủy lợi, khảo sát, khai thác tài nguyên…, xiết bao công trình ích nước lợi dân, nhiều công trình có kích thước hết sức ấn tượng! Đến đầu thập kỷ 1970, ta còn bắt đầu thử nghiệm nuôi bò sữa. Tất cả những nỗ lực này cùng nhau rút cuộc đã tạo nên một bước nhảy vọt trong đời sống vật chất của người Việt Nam. Ta bây giờ được trồng lúa quanh năm, uống sữa bò mặc sức, đi trên đường thênh thênh, có điện để dùng đủ thứ máy móc, chớ có quên rằng “cây” đã được “trồng” tự những năm xưa, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí trong mịt mù khói lửa! Và nên nhớ rằng tất cả đã được thực hiện mà không có ngoại viện đáng kể, ngược hẳn với “Việt Nam Cộng hòa” được Mỹ tưới cho bao nhiêu tỉ đô-la! Xây dựng đất nước như đi “Trên đường thiên lý”. Đây, ở chặng đường đầu đã xa, một người đứng thơ lên cảm xúc mình: “(…) Đồng lúa làng tre nắng vàng rắc phấn / Sương lung linh núi gấm mây tơ / Như trong mơ… không biết tự bao giờ / Nghìn năm cũ đang hồi xuân, thắm lại… / Ta đứng vậy, ngẩn ngơ mà ngắm mãi / Quê hương ta. Nghe phấp phới trong lòng / Đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông / Ôi Tổ quốc! Đơn sơ mà lộng lẫy! (…)”.

Một nội dung quan trọng nữa của thơ Tố Hữu thời kỳ 1955-1975 là công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Làm thơ nội dung này là dịp để ôn quốc sử hiện đại, mỗi lần ôn là một lần khóc cười. Sử nước từ bi hóa hùng hóa hoan như thế, chính là nhờ “người lãnh tụ thiên tài” ấy và cái tổ chức lợi hại lạ lùng ấy, chứ còn gì nữa! Tố Hữu cũng hay nhắc đến các nước trong khối cộng sản, nhất là hay ca tụng Lê-nin và Liên Xô. Lê-nin là lãnh tụ Tây phương đầu tiên công khai bênh vực nhân dân các nước thuộc địa, còn Liên Xô đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước của dân tộc ta, ca tụng là đúng chứ sao!

Hỏi: Chấm dứt thời kỳ 1955-1975, hẳn là một hay vài bài thơ cực vui?

Đáp: Tất nhiên. Đây vài dòng từ “Toàn thắng về ta”“Vui thế hôm nay” làm ngày 1-5-1975: “(…) / Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng / Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn / Anh đánh như sét nổ, trời rung / Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn / (…) / Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp / Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta / Chúng con đến, xanh ngời ánh thép / Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa / (…) / Ba mươi năm, trường kỳ kháng chiến / Ta đã đi. Và ta đã đến. / Thật đây rồi, Hạnh phúc cầm tay / Độc lập, Tự do, từ nay vĩnh viễn. / * / Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ / Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ! / (…)”.

Hỏi: Bây giờ ta thăm chặng chót một đời thơ…

Đáp: Từ tháng 5-1975 đến tháng 12-1992, Tố Hữu làm 76 bài thơ. Tuy số bài bình quân tăng lên, đa số bài ngắn hơn trước. Nhà thơ bây giờ hẳn ít bận rộn việc nước, nhưng nguồn cảm hứng mạnh cũng giảm, lại thêm tuổi bắt đầu cao… Không có thêm thể cách mới. Lục bát và bảy chữ nhịp 4-3 nhiều hơn các lối khác. Nội dung thơ chủ yếu là vui quê hương thanh bình, nhưng có cả bức xúc trước diễn biến kém lành mạnh trong xã hội: “(…) / Văn chương bút bẩn, bao hàng rởm / Lý luận đầu trơn, ối tập dày! / Nói những ba voi, không bát xáo / Tàn canh, quảng cáo cái gì đây?” (“Quảng cáo”). Tuy nhìn chung thơ thời kỳ này không đóng góp vào thi nghiệp Tố Hữu quan trọng bằng ba thời kỳ trước, vẫn có một số bài đáng nhớ: “Với Đảng, mùa xuân”, “Một khúc ca”, “Một nhành xuân”, “Hậu Lộc”, “Tĩnh Gia”, “Có một ngày như thế”, “Chân trời mới”, “Ta lại đi”… Năm 1992, năm cuối đời thơ, trước những dao động lập trường và nhiều hiện tượng tiêu cực đáng lo xảy ra quanh mình, Tố Hữu đôi lần bâng khuâng, buồn, nhưng lần nào cũng vượt lên được: “(…) / Ôi! Đất nước bao năm bom đạn / Từng chia cơm, chia lửa, chia hầm / Cao đẹp vậy, lòng người thanh thản / Ta cùng ta, đồng chí, đồng tâm / (…) / Có lẽ nào ta lại quên ta / (…) / Vượt muôn trùng sóng lớn, đường xa / Ta sẽ đến, những chân trời mới…” (“Chân trời mới”), “(…) / Hạnh phúc nào đến tự hư vô? / Ai nỡ phụ giọt máu hồng vô giá! / Ôi! Cái ác vẫn nghìn đời gieo vạ / Lẽ nào ta tự đánh mất hồn ta? / (…) / Bão giông qua, trời đất lại tươi màu / (…)” (“Ta lại đi”). Bảy mươi hai tuổi vẫn hăm hở “Ta lại đi, như từ ấy ra đi”, cảm động sao, tấm lòng đại hiếu của một người dân Việt Nam.

Hỏi: Ông tổng kết thi nghiệp Tố Hữu như thế nào?

Đáp: Trước tiên xin nêu rằng đó là một thi nghiệp không cố ý xây. Tố Hữu sáng tác vì đời chứ không phải vì thơ. Tận tụy xây đời, “anh thơ nghiệp dư”(4) trông lại thấy mình đã nên cả một nghiệp thơ kỳ vĩ, sự tình cờ có khi đẹp hơn mơ!

Quá trình phát triển của thơ Tố Hữu làm nhớ thơ một người xưa. Đỗ Phủ thương mà không làm gì được cả cho dân, nên thơ thương của ông không có dòng tiếp nối. Còn Tố Hữu thương dân, rồi gặp Đảng, nên thơ nảy thêm dòng đấu tranh là dòng chính của thi nghiệp.

Dân tộc làm nô lệ, rồi thôi làm, rồi đánh kẻ muốn bắt mình làm nô lệ trở lại, trong những năm tháng lịch sử ấy biết bao nhiêu là khóc cười. Sở dĩ có lúc được cười, ấy là nhờ đã có anh hùng. Rất nhiều anh hùng đã không hẹn mà cùng xuất hiện trong một dịp vô cùng hiếm. “Nghìn năm một hội tao phùng”(5), thơ sao xứng với anh hùng thì thơ! Tố Hữu đã sáng tác xứng đáng với tầm vóc hết sức khác thường của những việc xảy ra và những người có mặt trong thời ông sống.

Hỏi: Ông còn điều gì muốn nói nữa không?

Đáp: Bình thường thì không, nhưng đây thì có. Thi nghiệp Tố Hữu là tiêu biểu cho một thời dân tộc hướng thượng và tự hào. Đọc lại thơ ấy rồi trông cái văn hóa “vật chất là tất cả” và cái tâm lý “Tây cái gì cũng hay” của bây giờ mà buồn quá. Nhưng ông tin rút cuộc “Ta sẽ đến, những chân trời mới…”. Ta cũng nên tin như thế và cố đi về phía cái chân trời nào đó do mình tự chọn dựa trên những giá trị tinh thần đích thực.



Thu Tứ
Tháng 11-2018




















___________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
(1) Võ Phiến, bài “Mưa và thơ” trong tập
Quê hương tôi, nxb. Nhã Nam, 2012.
(2) Trả lời phỏng vấn của Bế Kiến Quốc, báo
Văn Nghệ số ra ngày 19/5/1990.
(3) Xem bài “Thơ Thanh Tâm Tuyền” của TT.
(4) Tố Hữu nói về việc làm thơ của mình (xem chú thích 2).
(5) Trong “Văn tế trận vong tướng sĩ” của Nguyễn Văn Thành.