Về cuộc chiến tranh ba mươi năm có nhiều hồi ký của các cấp chỉ huy, bút ký của các nhà văn và cả nhật ký của chiến sĩ… Loại tầm xa, loại tầm vừa, loại tầm gần, bao nhiêu ký bổ túc cho nhau ghi lại rõ ràng, sinh động một đoạn lịch sử không thể nào quên.

Trong ba loại ký thì loại thứ ba hiếm nhất, vì chiến sĩ điển hình không có thói quen viết, không có thì giờ để viết và nếu có viết thì tập nhật ký cũng rất dễ bị thất lạc hay hủy hoại trong chiến tranh.

Nhật ký chứa ghi chép về những chuyện xảy ra hàng ngày và chứa những cảm nghĩ mà người viết ấp ủ trong có thể rất nhiều ngày tháng. Tức nhật ký vừa “nóng” vừa có thể “sâu”.

Sau đây chúng tôi xin khởi sự lược trích nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân. Trong đoạn đầu này, có một lời ghi thật cảm động:
“Có bà mẹ thức khuya đứng nhìn theo đoàn quân rầm rập đi qua. Hỏi sao mẹ chưa đi ngủ, mẹ bảo: “Mẹ thương các con quá, mẹ không nỡ ngủ khi mà các con hãy còn đây”!”. Chúng tôi tạm diễn ca:

Con qua, mẹ nỡ ngủ nào
Trông con từng đứa lẫn vào sương khuya
Ra đi, nhớ mẹ ở quê
Nhớ thêm bao mẹ tiễn đưa dọc đường…
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (1)




16-12-1967

Thế là đã bắt đầu rồi! Thôi nhé, tạm biệt tất cả (…)

Lòng mình lúc này (…) nhớ, thương, sung sướng, tự hào và có phần nào lo lắng nữa (…)

17-12-1967

Chiều qua, tiểu đoàn đã làm lễ nhận cờ và huy hiệu (…) Đồng chí chính ủy trung đoàn đọc thư của Đảng ủy sư đoàn khích lệ, động viên các chiến sĩ trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Toàn tiểu đoàn tuyên thệ, đọc mười lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tiểu đoàn nhận mệnh lệnh hành quân và khởi hành lúc 17 giờ 00 phút.

Từ nay mình và các bạn của mình, ngày và đêm, lúc nào cũng hướng về phương nam, ở đó đang cần chúng mình (…)

Kể cũng lạ lùng, mình thấy mình trưởng thành nhanh chóng quá. Mới ngày nào còn ở trên ghế nhà trường, còn lếu tếu với quả bóng, còn “đấu đá” nhau bươu đầu bể trán…, thế mà bây giờ đã là anh bộ đội (…)

Tới trạm 1 lúc 24 giờ. Tranh thủ ngâm chân nước nóng và ăn cơm (…)

Đêm đầu có vẻ khí thế lắm. Ai cũng phấn khởi, hò hát ầm ĩ (…) Mình bỗng nghĩ: rồi đây ai sẽ mất, ai sẽ còn? Ai sẽ có cái may mắn là được trở về sum họp với người thân của mình? (…)

19-12-1967

Đã đi được ba đêm rồi. Sức khỏe vẫn tốt lắm. Ở B1 đã có người phải khiêng cáng (…)

Đêm 17, đang hành quân bỗng nhận được thư nhà, của ba và em Phượng gửi – mừng quá!

Sáng 18, viết vội cho gia đình lá thư thứ ba (…)

Đến địa phận tỉnh Thanh Hóa lúc 21 giờ đêm 18-12. Gọi là huyện Hà Trung (…) Tới (chỗ dừng quân) lúc 23 giờ. Vùng này toàn đồi đất, thấp và kéo dài (…)

Vào đây, được nghe hò. Hò nhiều kiểu, nhiều giọng khác nhau nhưng không chênh lệch rõ ràng về thanh điệu.(1) Cùng lơ lớ như nhau. Vui nhất là cách phát âm của họ: “có” là “cúa”, “ở đó” là “ở đúa”…

Ngày hôm nay (…) lúc 9 giờ sáng và 2 giờ chiều, máy bay địch từng tốp nhào đến oanh tạc ven đường quốc lộ. Tiếng máy bay gầm thét và tiếng rít của tên lửa xoẹt ra khỏi cánh máy bay nghe đến sởn gai ốc! Con đường chúng mình đang đi cũng luôn bị đánh phá. Có đoạn địch thả pháo sáng để tìm. Được cái, bọn mình chưa phải đào hầm tí nào cả. Những đàn anh đi trước đã đào cho sẵn rồi.

Trăng lên, trăng sáng soi đường cho quân đi. Trăng phủ một màu xanh dịu hiền như vỗ về, thôi thúc. Mình chợt nhớ tới mấy câu thơ trong bài hát của nhạc sĩ Huy Du:

Anh vẫn hành quân
Trên đường ra chiến dịch
Mé đồi quê anh bước
Trăng non ló đỉnh rừng!”
.

Có trăng, đã vui lại vui hơn (…)

22-12-1967

Đã qua năm đêm đi rồi mà sao sức vẫn thấy dồi dào quá. Chẳng bù với năm đêm hành quân của ngày mới đầu đời lính (thời gian huấn luyện). Những đêm đó thật khổ sở vô cùng (…)

Đêm qua sang đò trên dòng sông Mã. Sông hiền lành, trôi lặng lẽ. Nước vỗ bàm bạp, gió hun hút, lành lạnh. Đoàn quân đến đây đã quá khuya, mệt mỏi và buồn ngủ, có những đồng chí trong khi chờ đợi sang chuyến đã tranh thủ gối đầu lên ba-lô, làm nhoáng nhoàng ngay một giấc.

Qua bên kia sông, vội vã chia tay bằng nhiều lời cám ơn khác nhau với các cô lái đò rồi lại vội vã chạy đuổi theo hàng quân. Đi đã xa mà vẫn nghe rõ giọng hò lanh lảnh cao vút trong đêm:

“Ra đi xin nguyện lời thề
Chưa tan giặc Mỹ chưa về quê hương”
.

Có những khẩu hiện được kẻ rất đẹp, căng hai bên đường, mang nhiều nội dung phong phú, nhằm cổ vũ, động viên các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ.

Có bà mẹ thức khuya đứng nhìn theo đoàn quân rầm rập đi qua. Hỏi sao mẹ chưa đi ngủ, mẹ bảo: “Mẹ thương các con quá, mẹ không nỡ ngủ khi mà các con hãy còn đây”!

Có lúc, đơn vị hành quân tới trạm, phân tán vào nhà dân để ngủ, thấy nhà rộng rãi vắng vẻ, xuống bếp vơ ít rạ đun nước ngâm chân thì lại sờ phải người đang nằm trong đó. À ra thế, họ nhường nhà trên cho bộ đội ngủ!

Những cái đó đã làm cho mình cảm động. Đúng là quân với dân như cá với nước, mình quyết sẽ xứng đáng với tấm lòng của người dân đối với mình (…)

Tiểu đội mình đã có tới ba, bốn người ốm đau. Chúng mình mang vác bớt đồ đạc cho họ (…)

Mình bị “tịt cứng” hai cái lỗ mũi đã ba ngày rồi. Người hây hấy sốt, váng vất. Ăn cơm chóng no và cũng chóng đói. Chẳng hiểu ruột gan trong bụng nó ra làm sao nữa!


















__________
(1) Chú thích của người trích: Hoài Thanh (quê Nghệ An) có lần viết: “… giọng của quê tôi, một giọng nói rất khó hiểu với địa phương khác vì chẳng những không phân biệt nặng ngã, hỏi sắc mà mới nghe tựa hồ như không có dấu nào phân biệt với dấu nào” (
Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, 1982).