“Trời làm cơn mưa xanh...”




Nhạc sĩ hình như không có ai “mưa” trong nhạc nhiều như Trịnh Công Sơn. Mưa Trịnh có khi “ngoài hiên (...) rơi rơi”, có khi “ngoài sông bay”, có khi “bay trong ta (...) từng hạt nhỏ”... Mưa Trịnh hay la cà bên em, phục vụ em: “mưa thì thầm dưới chân ngà”, “mưa bay cho tay (em) mềm”, “mưa ru em ngủ” v.v., nhưng đôi lúc lại là chính em: “có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em”! Có lẽ do “trời còn làm mưa” hoài, do “mưa vẫn mưa bay” hoài, do “tiếng buồn rơi đều” không chịu tạnh làm cả trần gian “chìm dưới cơn mưa”“đôi khi (...) giữa khuya hồn (Trịnh) bỗng vu vơ”, rồi Trịnh “hát lên nhè nhẹ”“lời ca rớt thành cơn mưa”!

Mưa bay vào lòng hóa nhạc bay ra hóa mưa, là thứ mưa nước. Nhạc Trịnh còn có một thứ mưa khác. Ở Sài Gòn, vào “những chiều lộng gió”, Trịnh nghe “lá hát như mưa suốt con đường đi”. Mưa này không buồn, không rơi đều, mà vui và ngẫu hứng như “mây và tóc em bay trong chiều gió lộng”

Nhưng cây gì thế? “Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me…”.


*

Lớn lên ở Sài Gòn, ăn hết bao nhiêu là me xanh, me chín, me ngào, me rim, me dầm, me cam thảo, chấm hết bao nhiêu chén nước mắm me, búng chơi hết bao nhiêu hột me, mà nào để ý cây me có lá, nói chi lá biết hát biết mưa! Ðối với trẻ nhỏ và người sắp lớn, cây chỉ có trái, cây nào cũng vậy. Kịp khi vừa chớm biết thưởng thức tới hoa, tới lá thì đã xa Sài Gòn, xa những cơn “mưa xanh” không ướt đất...

Có điều này lạ. Không nghe nói có rừng me, vườn me, vậy me hái ở đâu mà bán um sùm? Chẳng lẽ những hàng cây trồng trên hè phố Sài Gòn cho đẹp mắt... Bình Nguyên Lộc cung cấp đủ trái cho cả “kỹ nghệ” me được sao?

Bình Nguyên Lộc ca tụng: “Me vốn đã đẹp (...) với vỏ cây cằn cỗi (...) với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sậm đen, đẹp (...) dày sương dạn gió”, rồi tỏ tình: “Tôi thương Sài Gòn vì những hàng me”.(1)

Me vào nhạc, vào văn xuôi lâu rồi. Hồi đầu năm ngoái, Trần Vấn Lệ rước nó vào thơ:

“Bạn ơi, hôn nhé lá me giùm
nói hộ rằng tôi rất nhớ nhung
nhớ chắc nhiều hơn từng phiến lá
nhỏ li ti tựa mắt xanh um…”
.

Lá me giống mắt! Tất nhiên là mắt nai, mắt em, em đôi tám đôi chín đôi mươi gì đó.

*

Đầu thế kỷ 21. “Lang thang trên hè phố” Sài vẫn còn dễ gặp “cây xưa”. Một hôm dừng bước ngắm một cổ thụ me từ tàn lá trên cao xuống thân xuống gốc, rồi chợt ngẩn ngơ, như thấy quanh đây đang có mấy thằng nhóc, trong đó có mình! Hồi đó, bạn bè một đám thỉnh thoảng rủ nhau trốn học đi Sở Thú chơi. Ði bộ hàng mấy cây số, vừa đi vừa giỡn đủ trò. Chỗ này, dám mình với thằng H, thằng N, thằng D từng rượt nhau, vấp té... Mới đó, mà bốn chục năm rồi sao.



Thu Tứ
Viết năm 2007 hay 2008



















________
(1) Bài “Những hàng me Sài Gòn”, trong tập
Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, in lần đầu trước 1975, nxb. Trẻ tái bản năm 1999.