“Họa Đỗ lục sự đề hồng diệp”

của Bạch Cư Dị




Rừng thu ôn đới in dấu rực rỡ ít nhất hai lần trong thơ Đường. Bạch Cư Dị ngắm vào sáng sớm. Mấy chục năm sau, Đỗ Mục ngắm lúc chiều tà, cũng suýt soa, trầm trồ những chiếc lá đỏ tươi chẳng kém hoa xuân. Cả hai cùng nhắc nhờ sương mà lá mới trông ấn tượng thế. Ở ta, ngoài Bắc, mùa đông sau một cơn mưa lá bàng rụng xuống vỉa hè lắm chiếc cũng đỏ thật hấp dẫn.

Nguyên văn

Hàn sơn thập nguyệt đán
Sương diệp nhất thời tân
Tự thiêu phi nhân hỏa
Như hoa bất đãi xuân
Liên hàng bài giáng diệp
Loạn lạc tiễn hồng cân
Giải trụ lam dư khán
Phong tiền duy lưỡng nhân.


Dịch nghĩa

Trên núi lạnh buổi sớm tháng mười
Sương gội làm lá cây bỗng như mới
(Rừng rực) tựa cháy mà không phải do lửa
(Rực rỡ) như hoa không đợi xuân về
Lá rơi bày thành hàng liền nhau
(Như vô số) khăn đỏ bị cắt nát rơi tứ tung
Dừng kiệu tre lại để ngắm cảnh
Trước gió chỉ có hai người.

Dịch thơ

Hiu hiu núi rét tháng mười
Ðẫm sương ngàn lá sáng ngời như lau
Rực rừng ai có đốt đâu!
Như hoa thử hỏi xuân nào giờ đây!
Hàng hàng lớp lớp lá rơi
Như khăn đỏ cắt vung đầy núi non
Kiệu dừng cùng bước xuống trông
Ngẩn ngơ trước gió, hai ông bạn già.


Bản dịch thơ khác

Lạnh lùng buổi sáng tháng mười
Lá sương phơi núi cùng thời mới sao!
Như thiêu chẳng lửa mà thiêu
Như hoa chẳng đợi xuân nào mới hoa
Liền hàng, màn tía bày ra
Rơi tung, xếp nếp khăn là đỏ ghê!
Muốn xem, dừng xuống kiệu tre
Ðứng chơi ngọn gió chỉ ta hai người.
(Tản Đà)



Thu Tứ


















_______
Tên bài nghĩa là “Họa thơ ông Lục sự họ Đỗ vịnh lá đỏ”.