“Từ đi giao sữa đến sợ muốn chết




Về cái biến cố lịch sử mà dân tộc Việt Nam gọi là “Điện Biên Phủ Trên Không” và Không quân Mỹ gọi là Chiến dịch Linebacker II, chúng tôi đã trình bày ý nghĩa của nó trong toàn cảnh của cuộc can thiệp quân sự của nước Mỹ vào nội bộ nước Việt Nam. Xin nhắc lại, đó là như cú đấm mạnh hết sức mà một bên tung ra trước khi bỏ cuộc khi thấy bên kia vẫn vững vàng.(1)

Nhìn từ xa để hiểu vai trò xong, nên lại gần mà nhìn cho rõ chân dung. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trích dẫn một số lời ghi người trong cuộc và nhân chứng để phác họa lại chuyện đã xảy ra. Đặc biệt, chúng tôi sẽ dẫn lời tường thuật “nóng hổi” của phóng viên nhật báo The New York Times đăng ngày 30/12/1972 về tâm lý của các phi hành đoàn B-52 sau khi bay trên trời Hà Nội. Cả thế giới đã quen thuộc với tinh thần bất khuất của những người bị “rải thảm”. Tưởng mọi người cũng nên biết đến cái diễn biến xuống dốc tinh thần hết sức đột ngột nơi những chuyên gia đi “rải”.

Kẻ đi giao sữa, người đội trời bom

Đánh bom từ B-52 bay cách mặt đất 10 cây số, cảm giác thế nào?

(Sau khi nghe báo cáo bom vừa rơi trúng mục tiêu)Không có mảy may phản ứng nào từ phi hành đoàn (…) “Chúng tôi ở xa quá (…) không cảm thấy được ý nghĩa liên hệ tới con người trong cuộc chiến tranh này””.(2)

Không “thấy” người, nên quả bom chẳng khác chai sữa: “Các phi hành đoàn B-52 (…) những chuyến bay đánh bom (…) có người gọi là “đi giao sữa”” (ở Mỹ xưa kia sữa tươi được giao tận nhà hàng ngày). Có ai làm gì người đi giao sữa đâu, cho nên: “Họ bay khoảng sáu tiếng từ đây (đảo Guam) tới Việt Nam (…) bấm một cái nút thả bom xuống (…) quay về (…) Kẻ địch duy nhất của họ là sự buồn chán”.(3)

Người dưới đất bị B-52 đánh bom, cảm giác thế nào?

Nhật ký liệt sĩ Hoàng Thượng Lân (trích nhiều ngày):

“B-52 lại ra (…) Bom nổ đều, rung chuyển. Khói trùm kín cả một khoảng trời (…) B-52 đánh suốt cả buổi chiều (…) Trời u ám, khí lạnh nhiều, khói bom không bốc được cao, quện lại và che kín tất cả (…) khét và khó thở (…) Hôm nay, B-52 ra đánh liên tục (…) Bom nổ rền, đanh đặc, tai cứ ù lên và thân người nảy rồ một cách buồn cười (…) Sẫm tối, B-52 lại ném hai đợt. Bầu trời tối đen vì khói bom (…) B-52 (…) sáng đánh, chiều đánh, nửa đêm đánh (…)”.

Bom rơi từ trên rất cao như một thứ mưa. Mưa thì mặc mưa: “Còn gì vui bằng, rạo rực bằng, tự hào bằng khi nghe đài phát thanh trịnh trọng đọc tin chiến thắng (…) Chúng tôi đã phải (…) “tắm” B-52 (…) đổi mẩu tin đó bằng lòng dũng cảm và (…) bằng máu!”.

Máu đổ do bom không phải chỉ có máu chiến sĩ: “B-52 quăng bom vào đúng giữa xóm, nhà cửa không cái nào còn nguyên vẹn (…) Hố bom dày đặc (…) Một bà mẹ đã già kêu thét, vùng vẫy, tay điên dại cào cấu. Ba bốn người giữ chặt bà lại, người ta đang đưa xác con gái bà và thằng cháu trai mới hai tuổi đi chôn”.

“Mưa” triền miên, nên: “Viết nhật ký, ngày nào cũng phải nói đến máy bay và sự tàn phá của nó, mãi cũng phát chán”. Chiến sĩ Việt Nam chán viết về bom, nhưng bom “vô cảm” nên giết bao nhiêu người cũng không biết chán, rút cuộc đã cướp đi mạng sống của chính người chiến sĩ dũng cảm ấy.(4)

Trở lại với chuyện “đi giao sữa”. Giáng một trời bom dễ dàng quá chắc chắn là lý do quan trọng khiến lãnh đạo Mỹ chưa chịu thôi can thiệp vào nội bộ Việt Nam.

Công phu chuẩn bị theo lời Bác dặn

Lãnh đạo Việt Nam đã sớm chú ý tới B-52.

Tháng 4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ nghiên cứu cách đánh B-52 cho Chính ủy quân chủng Phòng không – Không quân.

Ngày 17/9/1967, ở Vĩnh Linh, trung đoàn tên lửa 238 bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên.

Đầu năm 1968, Bác nói lời dặn nổi tiếng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội…”.

Tháng 5/1972, không quân Mỹ mở chiến dịch Linebacker, cho B-52 trút hàng trăm ngàn tấn bom xuống Miền Bắc. “Đây là một dịp đặc biệt để ta nghiên cứu (thêm) cách đánh loại máy bay này”.(6)

Đầu tháng 9/1972, kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội được coi như hoàn chỉnh.

Tới đây, cần nêu rõ một sự kiện. Sau chiến dịch Linebacker II, phía Mỹ đồn rằng Phòng không Việt Nam có tên lửa mới, nguy hiểm hơn. Không thể đúng được, bởi “Từ năm 1969 Liên Xô không viện trợ thêm cho ta một quả đạn tên lửa nào. Các bộ khí tài tên lửa, ra-đa cũng dần dần xuống cấp”!(7) (Tại sao Liên Xô ngưng viện trợ tên lửa? Nên nhớ thời kỳ Hòa hoãn (Détente) giữa Mỹ và Liên Xô đã bắt đầu từ năm 1967.) Sở dĩ phi công Mỹ tưởng gặp SAM mới, đó một phần là do cán bộ quân khí ta đã cải tiến khí tài cũ và chiến sĩ đã đúc kết kinh nghiệm đánh B-52 ở Quảng Trị, Khu Bốn, tây Trường Sơn; phần nữa, là năm 1972 chuyên gia Liên Xô có giúp tăng công suất ra-đa, nâng cao khả năng phát hiện máy bay địch.

Tháng 11/1972 Nixon tái đắc cử tổng thống. Ở Paris, Mỹ trở mặt, đàm phán bế tắc.

Việt Nam gia tăng cảnh giác phòng không, nhất là vùng Hà Nội. “Cục Tác chiến được lệnh trực ban 24 giờ trên 24 giờ (…) Các trận địa phòng không của cả ba thứ quân khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu”.(8)

Ba thứ quân là lực lượng Phòng không – Không quân, bộ đội địa phương, dân quân. Phải vận dụng tất cả, vì trên trời Hà Nội sẽ không phải chỉ có B-52: “Địch (sẽ) tập trung máy bay tiêm kích và cường kích (…) đánh phá các sân bay và trận địa tên lửa ”.(9) Và tung trinh sát cơ…

“Phái đoàn” Mỹ sẽ gồm đủ thành phần, bay cao tít mù có, bay tầm trung có, bay thật thấp có. Để theo dõi “khách”, ngoài “mạng lưới ra-đa dày đặc (…) với các đài được bố trí bất ngờ, hiểm hóc”, “chủ” còn cho dựng lên cả một “hệ thống các vọng quan sát bằng mắt bao quanh Hà Nội”.(10) Còn để long trọng “dàn chào”, ngoài tên lửa SAM, cao pháo 100 ly, 57 ly, 37 ly, 23 ly, trọng liên 14 ly 5, 12 ly 7, sẽ có thêm rất nhiều súng trường.

Bằng kết hợp sáng tạo hiện đại với thô sơ, “người Hà Nội” sẽ tiếp đón thật chu đáo, tận tình, đối với tất cả chứ không thiên vị riêng chỉ pháo đài bay!

“Chúng tôi không sợ (…) diệt cho hết chúng nó đi!”

Ngày 18/12/1972, trong phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ban tác chiến báo cáo rất nhiều B-52 đã cất cánh từ Guam và Thái-lan. Nhiều tốp từ Utapao đang bay dọc sông Mê Kông lên phía bắc…

““Báo cáo thủ trưởng (…) Các lực lượng Phòng không – Không quân đã vào cấp 1” (…) 19 giờ 45 phút. Có tiếng bom nổ ở phía xa xa (…) Máy bay địch đánh phá sân bay Hòa Lạc (…) Nội Bài, Gia Lâm (…) Tiếng ầm ì khô và nặng của động cơ B-52 mỗi lúc một rõ (…) Những vầng lửa lóe lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng Long nối nhau bay vút lên không trung (…) 20 giờ 20 phút (…) “Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, tiểu đoàn 59 trung đoàn tên lửa 261 bộ đội Phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52” (…) Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng (…) Tôi bước ra ngoài Sở Chỉ huy. Trời rét đậm (…) Nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường”.(11)

Trong mười một đêm kế tiếp, Hà Nội có lúc xiết nỗi đau thương, nhưng lúc nào cũng đánh trả cực kỳ anh dũng.

Vấn đề căng nhất là chỉ mới qua đêm thứ tư mà “Đạn tên lửa thiếu nghiêm trọng”, phải cho chuyển cấp tốc từ Khu Bốn ra, đêm 26 đạn ra tới nơi, “Tôi cảm thấy nhẹ người”.(12)

Đêm 26 rạng ngày 27 là đêm B-52 “rải thảm” xuống phố Khâm Thiên (sau khi đã đánh bệnh viện Bạch Mai mấy hôm trước). Đêm 26 cũng chính là đêm Mỹ mất nhiều B-52 nhất: 5 chiếc ở vùng Hà Nội (4 rơi tại chỗ), 3 chiếc ở Hải Phòng và Thái Nguyên. Đêm 27 Phạm Tuân lái Míc-21 bắn rơi một pháo đài bay, đêm 28 Vũ Xuân Thiều một B-52 nữa…

Đêm nào, trên cái nền chen chúc vô số âm thanh ghê rợn chấn động của bom xuống bom nổ và vô số “hồi âm” dữ dội quyết liệt của tên lửa và đạn súng đủ cỡ, trong lòng đông đảo người dân Thủ đô cũng vang bật lên “lời nguyền” bất hủ của Hồ Chủ tịch năm xưa (1966):

“Hà Nội, Hải Phòng (…) có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!”

Tiếng vang trong lòng có khi gặp dịp thoát ra ngoài. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem xác B-52 rơi xuống làng Ngọc Hà, có một phụ nữ đã “nắm tay tôi, giọng xúc động: “Chúng tôi không sợ chúng nó! Chúng tôi nhất định không sợ! Phải diệt cho hết chúng nó đi!””. Đại tướng không ngạc nhiên tí nào: “Phụ nữ Việt Nam là như thế”.(13)

Cũng đi thăm Ngọc Hà những ngày ấy, nhà văn Nguyễn Tuân ngồi “trực thăng ta” rồi về viết lời cảm tưởng ngộ nghĩnh: “Pháo đài bay (…) rơi tại chỗ, vung vãi (…) kéo từ Hồ Tây qua Thụy Khê (…) sang thôn hoa (…) Ngồi (…) nhìn xuống (…) những cục đuy-ra rụng thấy như đó là những thoi vàng hồ rắc đánh dấu cho một đợt chót đám ma Mỹ xâm lược”.(14)

Những đêm Hà Nội chưa từng ấy, nhạc sĩ Phan Nhân luôn có mặt trên tầng cao, thu vào lòng cảnh tượng lạ lùng, rồi phát ra thành nhạc hào hùng: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời / Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô / (…) / Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng / (…) / Chân ta bước lòng ung dung tự hào / Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao / (…)”.

Hà Nội vươn lên, ngẩng lên, cũng là ghi nhận của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Còi báo động suốt mười hai đêm thức / Cháy trong lòng bao cảm xúc lớn lao / Những mắt người mắt súng ngẩng cao / Thành phố đứng tựa lưng vào lịch sử” (“Mười hai ngày không quên”)...

Trở lại cái “đám” của Nguyễn Tuân. Tâm trạng của những kẻ trong “pháo đài” trước khi hóa “ma” có được ghi lại.

“Cuộc chiến tranh bỗng trở nên dễ sợ…”

Tiểu đề trên chính là nhan đề bài tường thuật của một phóng viên Mỹ làm việc trên đảo Guam nơi có căn cứ Không quân Andersen.(15) Trong bài có những ghi nhận đáng chú ý:

“Một đội viên phục vụ dưới đất kể: - Phi hành đoàn bây giờ đổi khác. Trước, khi trở về, họ luôn bông đùa. Bây giờ họ run rẩy. Họ chỉ trèo ra khỏi máy bay, leo lên xe buýt và đi thẳng tới phòng thẩm vấn (…)

Ngày 18-12-1972, tất cả đã vụt thay đổi. Lần đầu tiên (…) họ phải đối diện cái mà một phát ngôn viên của Không quân ở đây gọi là “hệ thống phòng không lợi hại nhất trong lịch sử” (…) Một phi công kể: “Nó giống như là anh đang bay vào vùng trời đầy pháo hoa đêm mùng 4 tháng 7
(lễ Độc lập Mỹ). Chung quanh anh sáng bừng (…) “SAM bên trái, SAM bên phải, SAM trước mặt (…) Tốp bay trước tôi khoảng hai dặm bị SAM bắn lên. Chiếc số 1 bay chúi xuống, chiếc số 3 tạt ngang, đều thoát. Nhưng chiếc số 2 cứ bay thẳng và bị trúng một quả ngay bụng và vỡ tung giữa trời…” (…)

Sự nguy hiểm mà các phi hành đoàn bây giờ phải đối diện là lớn hơn trong những chuyến bay oanh tạc nước Đức trong Thế chiến thứ Hai. Tâm lý chung là sợ. Một dân đảo quen biết nhiều phi công nói: “Họ sợ muốn chết” (…) Có tin một số phi công từ chối bay. Một phát ngôn viên Không quân khẳng định không có ai bỏ cuộc, nhưng nhiều dân đảo quen biết các phi hành đoàn kể có những người đã tìm ra cách tránh được nhiệm vụ nguy hiểm. Họ nói Không quân đã cố ý im lặng cho họ về nhà để khỏi xôn xao dư luận. Có cả tin một số nhân viên phi hành đoàn đã cố ý làm hỏng máy móc điện tử phức tạp trên máy bay để phi vụ bị hủy. Tuy nhiên, phát ngôn viên Không quân cũng phủ nhận tính xác thực của tin này”
(gạch dưới là do chúng tôi).

“Run” và “sợ muốn chết”? Thì từ “đi giao sữa” chuyển qua vỡ cháy rơi lả tả mà.

Từ nhiều năm trước đã có một số B-52 bị bắn hạ rồi, nhưng thỉnh thoảng một chiếc nó như là “không”, phải đợi đến khi thấy xung quanh “bị” tới tấp ào ào mới cảm nhận được là mình có thể rụng!

Tại sao phòng không Việt Nam không hạ được bao nhiêu B-52 cho tới khi nó ra đánh Hà Nội?

Vì vũ khí chống B-52 chủ yếu là tên lửa SAM thì một số lớn phải để dành cho việc bảo vệ Thủ đô.

Số tên lửa có thể đi đánh xa đã không nhiều, mà vận chuyển khí tài nặng nề, cồng kềnh qua những đoạn đường đèo hiểm trở là vô cùng khó khăn, dọc đường bị đánh phá ác liệt, rồi vào tới Quảng Trị lại phải chịu đựng hỏa lực cực kỳ đàn áp của máy bay, pháo mặt đất, pháo hạm địch, khiến rút cuộc lực lượng còn lại quá khiêm tốn.

Thêm vào đó vấn đề công suất ra-đa lúc ấy khá hạn chế, rõ ràng bắn rơi chỉ một chiếc B-52 thôi đã đáng coi là kỳ tích!

Cụ thể, tháng 4/1966, trung đoàn tên lửa 238 nhận lệnh hành quân từ Nghệ An vào Quảng Trị, tháng 1/1967 vào tới nơi, tháng 9 mới lập được chiến công lịch sử.(16)

Mà đây là nói tình hình Miền Bắc, chứ ở Miền Nam thì bộ đội hoàn toàn không có tên lửa SAM (17), ngay cao pháo 100 ly cũng rất hiếm, nên trong ấy phi công Mỹ lái B-52 đi “rải thảm” quả có giống hệt như lái xe tải con đi giao sữa!

Bao nhiêu B-52 bị tiêu diệt?

Cũng trong bài tường thuật trên, có đoạn này:

“Về tổn thất trong 12 ngày kể từ khi Tổng thống Nixon ra lệnh (tiến hành Chiến dịch Linebacker II), Hoa-thịnh-đốn chính thức công nhận có 15 chiếc B-52 rơi do hỏa lực địch (…) Hà Nội nói đã bắn hạ được 33 chiếc. Chúng tôi phỏng vấn một số phi hành đoàn ở đây thì thấy nhiều người không tin bên nào. Theo họ, số máy bay rơi là đâu đó giữa hai con số”.

Không thể chỉ đếm số xác máy bay mà biết bao nhiêu chiếc đã bị bắn hạ!

Nó có thể trúng tên lửa hay đạn 100 ly (căn cứ vào tín hiệu ra-đa hay hiện tượng có lửa bùng về hướng mục tiêu) nhưng cố bay được một lúc hay khá lâu nữa mới rơi.(18) Từ Hà Nội về Guam hay Thái-lan, nó lao xuống biển xuống rừng, dẫu trong lãnh hải lãnh thổ Việt Nam cũng không cách gì tìm được xác làm bằng chứng, nói chi rơi ở bên ngoài!

Mà không có bằng chứng thì phía Mỹ tha hồ phủ nhận sự thực. Cứ phía Việt Nam không vào rừng kéo về hay ra biển trục xác máy bay lên được, là phía Mỹ khăng khăng không có! Thi thoảng xảy ra trường hợp B-52 trúng đạn bay về rơi gần căn cứ, không tiện giấu, thì bảo là do trục trặc máy móc!(19)

Thực ra, trong chiến tranh chuyện phóng to thu nhỏ tổn thất địch ta rất thường xảy ra. Đó là tâm lý chiến đối với địch, động viên bên ta và trong trường hợp Mỹ còn là giảm thiểu phản ứng bất lợi từ phong trào phản chiến.

Sẽ không bao giờ biết chính xác bao nhiêu B-52 đã rơi trong 12 đêm ấy, chỉ biết sau đó tinh thần của các phi hành đoàn siêu pháo đài bay nói chung đã xuống dốc hết sức tệ hại.

Cuối cùng, về cái danh hiệu “lợi hại nhất lịch sử, hơn cả Đức”, nó dĩ nhiên đã được làm nên không phải chỉ bằng công nghệ tiên tiến của Liên Xô mà còn bằng cách sử dụng vũ khí đầy trí tuệ của lực lượng vũ trang Việt Nam.

“Năm nay Hà Nội ăn Tết to thật đấy!”

Kết quả của Chiến dịch Linebacker II đến thật nhanh.

“Hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ sụp đổ (…) Mỹ gửi công hàm đề nghị ta họp lại theo nội dung đã thỏa thuận hồi tháng 10 năm 1972 (…) Đế quốc Mỹ đã thua trong ván bài cuối cùng, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ”.(20)

Vui quá là vui. Nhưng Thủ đô đuổi “giặc trời” xong, trông lại thấy thiếu nhà. Mà Tết thì sắp đến!

“Những ngày giáp Tết năm nay (…) có một cảnh ghi sâu vào lòng người ta nhất: đó là cảnh những căn nhà đi vội về Hà Nội, suốt từ 20 đến 25 tháng chạp. Trên những con đường hàng tỉnh, dường như cứ mấy phút lại có một chuyến ô-tô chở đầy đủ một căn nhà tre ba gian, lao với một tốc độ “tranh thủ” về hướng Thủ đô (…) Từ miền núi đến miền xuôi, mỗi hợp tác xã nông nghiệp đều có nhà gửi về giúp đồng bào bị B-52 (…) Những căn nhà từ khắp nẻo (…) nối nhau kéo vào lòng Hà Nội”.(21)

Để đón Xuân Quý Sửu 1973, ở Thủ đô bên vô số nhà mới đang mọc, một loài hoa cũng nở rộn ràng hơn hẳn mọi năm:

“Năm nay Hà Nội ăn Tết to thật đấy! (…) Có bao nhiêu đào cúc quất là người Hà Nội cũng mua cho bằng hết (…) Ông cụ viết câu đối Hàng Bồ bảo rằng, theo lời tổ tiên tám chín đời kể trong gia phả, thì cái năm vua Quang Trung đuổi xâm lăng nhà Thanh (…) hoa hoàng mai nở rất nhiều (…) Cúc được mùa to. Nhìn hoa Tết năm nay, thấy nhớ mai vàng (năm xưa ấy).(22)

Có những mùa xuân đến và không bao giờ ra khỏi lòng dân tộc!



Thu Tứ
Viết năm 2019
Sửa mới nhất 10-2023












___________
(1) “1972 – Một năm ác liệt và vinh quang”, tạp chí
Hồn Việt, số 138, 7/2019.
(2) Joseph B. Treaster, “Aboard B-52 bomber high over Vietnam a crew takes part in an “impersonal” war”, nhật báo
The New York Times, ngày 13/10/1972.
(3), (15) Richard Halloran, “The war is suddenly grim for the B-52 fliers on Guam”, nhật báo
The New York Times, ngày 30/12/1972.
(4)
Tài hoa ra trận (nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân), nxb. Hội Nhà Văn, 2005.
(6) tới (13) và (20)
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006.
(14), (22) Nguyễn Tuân, “Cánh B-52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội”,
Cảnh sắc và hương vị đất nước, nxb. Tác Phẩm Mới, 1988.
(16) Theo lời kể của đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 238, đăng trên trang
vannghesontay.com.
(17) Vào lúc bắt đầu chiến dịch Xuân Hè 1972, một số tên lửa SAM đã vượt vĩ tuyến 17, nhưng vẫn ở gần vĩ tuyến chứ không vào sâu.
(18) Đã có xảy ra nhiều trường hợp máy bay bị thương rất nặng mà vẫn bay về tới căn cứ. Xem bài
“(…) bombers that miraculously made it home” trên trang warhistoryonline.com.
(19) Chẳng hạn, ngày 22/11/1972 trung đoàn tên lửa 263 ở tây Nghệ An bắn trúng một B-52. Hãng thông tấn Mỹ UPI đưa tin ngày hôm ấy một B-52 đã rơi gần căn cứ Utapao.
(21) Quang Dũng, “Những căn nhà đi”,
Nhà đồi, nxb. Văn Học, 1983.