“Hồ Chí Minh - Năm bài thơ chữ Hán”




Chủ tịch Hồ Chí Minh làm rất nhiều thơ. Trong số các sáng tác của Hồ Chủ tịch mà chúng tôi thích nhất, có năm bài tứ tuyệt chữ Hán: “Đăng sơn”, “Đối nguyệt”, “Nguyên tiêu”, “Tư chiến sĩ”, “Báo tiệp”. Bốn bài sau mang phong cách điềm đạm, trang nhã điển hình Đường thi. Riêng bài “Đăng sơn”, hẳn do quang cảnh đầy ấn tượng của trận địa và tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội, lại có một giọng hùng tráng gợi nhắc những “Hịch tướng sĩ”, “Phú sông Bạch Đằng”, “Bình Ngô đại cáo”!

“Những bài thơ Đường tựa như những đồ chơi làm bằng ngọc bằng ngà, chạm trổ rất tinh tế, trau giồi bóng bảy”.(1) Kháng chiến đang vô cùng ác liệt, sao Hồ Chủ tịch chọn sáng tác thứ thơ cầu kỳ thế nhỉ? Thì Bác có phải lúc nào cũng “Đường thi” đâu. Khi cần kêu gọi, nhắn nhủ toàn dân, Bác thơ những lối khác hẳn. Những bài “đồ chơi” là Bác sáng tác cho chính mình đấy. Bởi “chế tạo” chúng có tác dụng gây thư giãn hết sức cần thiết giữa những lượt động não đầy căng thẳng về bao nhiêu việc nước việc quân.

Nhưng Ngô Quyền, Lê Hoàn, các vua Lý, vua Trần, Lê Lợi, Nguyễn Huệ có sáng tác gì đâu mà vẫn đánh bại xâm lược Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh? Lê Thánh Tông cũng không, mà vẫn bình Chiêm thắng lợi?(2) À, mỗi người có một số cách thư giãn riêng. Một trong những cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm những bài thơ như thơ Đường.

Thơ Hán văn Việt Nam coi như đã cáo chung trong thế kỷ 19, bỗng giữa thế kỷ 20 lại vang lên một số vần với nội dung độc đáo. Về giá trị nghệ thuật, những vần ấy nếu có đặt bên cạnh thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi v.v., tưởng sẽ không thấy so le.

Cả năm bài đều đã có những bản dịch hay, nhưng chúng tôi nghĩ mình thích thì cứ dịch. Cao hứng, bài nào cũng dịch đến mấy lần!


Đăng sơn

Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt ở chỉ huy sở từ khi nổ súng đến khi kết thúc. Hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “… hôm lên đài quan sát theo dõi trận Đông Khê, Bác đã làm một bài thơ chữ Hán”. Bài “Đăng sơn” như báo trước một chiến thắng thật huy hoàng!

“Vạn trùng sơn” là thế nào? Năm 1947 Nam Cao trèo lên tận “thế giới bí mật” của người “Mán”, đứng trên đầu non mà ngắm non, rồi tả: “Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng (… ) Chỉ có trời với núi”.(3) Năm 1949 Nguyễn Tuân theo bộ đội hành quân dọc đường số 4, ghi: “Núi (…) nhấp nhô như sóng bể cứng sững đông đặc lại”(4); sau 1954 Nguyễn lại đăng sơn, lên “Mỏm Lũng Cú tột bắc”, ghi nữa: “Ngồi trên núi cao (…) nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển”!(5)

Núi mà như sóng biển! Mà ngay bên trên cái “biển” núi đầy sóng ấy, lại là cả một “biển” mây cũng đầy sóng! Tự nhiên như thể dựng sẵn sân khấu chờ đợi quân ta và quân xâm lược diễn một màn “kịch” cực kỳ bạo liệt!

Nguyên văn

Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thốn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.


Dịch nghĩa

Cầm gậy lên núi xem trận địa
Lớp lớp núi đỡ lớp lớp mây
Quân nghĩa khí mạnh nuốt sao Ngưu sao Đẩu
Thề diệt quân xâm lược tham tàn.(6)

Dịch thơ

Bản 1:

Chống gậy trèo non xem thế quân
Trùng trùng núi sóng đỡ mây giăng
Quân ta khí mạnh mờ tinh tú
Cướp nước phen này lũ giặc tan!


Bản 2:

Gậy tay trèo núi xem quân
Trùng trùng non lượn đỡ trùng trùng mây
Khí hăng nhạt cả sao trời
Hẳn loài cướp nước phen này tan xương!


Bản 3:

Núi cao mặc, cứ trèo xem trận
Chập chùng non dưới chập chùng mây
Đuổi xâm lược, khí quân ngùn ngụt
Hồn vía bay, lũ giặc phen này!


Bản dịch thơ khác

Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
(Xuân Diệu) (7)


Đối nguyệt

“Huề chẩm song bàng” làm nhớ “huề trượng đăng sơn”. Một cái tay, có khi xách gậy lên núi, có khi xách gối lại bên cửa sổ. Một đôi mắt, có khi mở to ngắm núi sóng mây biển, có khi nhắm nghiền cho trăng nó ngắm!

Nguyên văn

Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ
Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền
Quân cơ quốc kế thương đàm liễu
Huề chẩm song bàng đối nguyệt miên.


Dịch nghĩa

Ngoài cửa sổ trăng sáng lồng trên cây lớn
Ánh trăng (lần) dời bóng cây đến trước cửa sổ
Việc quân việc nước bàn bạc xong rồi
Cầm gối đến bên cửa sổ nằm ngủ dưới trăng.

Dịch thơ

Bản 1:

Ngoài song cái nguyệt treo cành
Lung linh sáng tỏa xô dần bóng cây
Muộn rồi, việc tạm nghỉ đây
Bên song dưới nguyệt êm say giấc nồng…


Bản 2:

Ngoài song trăng sáng treo cành
Bóng cây trăng khéo đưa dần về hiên
Mưu quân kế nước tạm yên
Nhớ trăng xách gối song bên ghé nằm.


Bản 3:

Lá rậm cành cao trăng sáng soi
Bóng cây trăng đẩy khéo về nơi
Việc nước việc quân mai lại tiếp
Ung dung ra ngủ chỗ trăng mời!


Bản 4:

Giữa lá cành lung linh trăng sáng
Đẩy bóng cây thủng thẳng về song
Việc quân việc nước tạm xong
Đầu kê gối nhỏ trăng trong ngủ dài.
(8)

Bản 5:

Cành cao lung linh trăng sáng
Bóng cây trăng đẩy về hiên
Khuya rồi, ngưng bàn việc nước
Gối kê, đón nguyệt nghiêng nghiêng.


Bản dịch thơ khác

Ngoài song trăng rọi cây sân
Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song
Việc quân việc nước bàn xong
Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm.
(Nam Trân)


Nguyên tiêu

Một kinh nghiệm thời kháng chiến là bởi “vách có tai”, hễ bàn việc bí mật thì nên ra chỗ rộng, trống trải, có thể thấy được xa khắp xung quanh. Thường chỗ đó là đồng, nhưng đây là sông. Đêm “rằm cả”, trăng xuân soi tất nhiên không chừa cái chỗ có một con thuyền đang lênh đênh. Mọi người tập trung bàn việc đánh giặc, nên tuy ngồi giữa thứ ánh sáng lung linh huyền ảo mà không ai để ý. Bàn xong, trở vào bờ, trông lại thuyền, trông lại nhau, ô hay, đầy cả, đẫm cả trăng thế này!

Nguyên văn

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.


Dịch nghĩa

Đêm nay rằm tháng giêng trăng tròn lần đầu (9)
Nước trên sông xuân liền với trời xuân (10)
Ra xa, giữa khói sóng, để bàn bạc việc quân
Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền.

Dịch thơ

Bản 1:

Sông xuân chảy dưới trời xuân
Đêm nay vành vạnh tròn trăng, đêm rằm
Việc quân cưỡi sóng họp bàn
Chầy canh trở bến, trăng tràn thuyền khuya.


Bản 2:

Tròn trăng “rằm cả” đêm nay
Sông xuân nước chảy liền ngay vào trời
Việc quân sóng khói ra nơi
Canh khuya bến trở, chơi vơi trăng vàng…


Bản dịch thơ khác

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Sóng Hồng)


Tư chiến sĩ

Áo rét cho chiến sĩ chắc chắn đã nhắc gửi từ đầu đông. Đây là trông móc đêm sương sớm mà chạnh lòng, lại nhắc gửi nữa. Không thừa đâu, vì trận mạc xông pha, nhiều chiến sĩ áo tả tơi rồi. Nắng đã lên! Cứ cái màu nắng tươi này thì còn chẳng bao lâu nữa xuân sẽ về.

Nguyên văn

Canh thâm lộ cấp như thu vũ
Thần tảo sương nùng tự hải vân
Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ
Dương quang hòa noãn báo tân xuân.


Dịch nghĩa

Đêm khuya móc rơi nhanh như mưa thu
Sáng sớm sương dày tựa mây biển
Mau gửi áo rét cho chiến sĩ
Ánh mặt trời ấm áp báo xuân sắp về.

Dịch thơ

Bản 1:

Móc sa gấp tựa mưa thu
Dày như mây biển, sương mù buổi mai
Biên khu áo rét gửi ngay!
Nghe trong nắng ấm tin hay: xuân về.


Bản 2:

Móc khuya như mưa thu
Sương sớm tựa mây biển
Áo rét, mau, chiến sĩ!
Nắng vàng: xuân sắp sang.


Bản 3:

Canh dài giọt móc tựa mưa thu
Tinh mơ mây biển, ấy sương mù
Áo rét gửi mau người trận mạc
Nắng vàng: xuân mới chẳng xa đâu.


Bản dịch thơ khác

Đêm khuya móc tựa mưa thu
Sớm sương dày đặc mây mù biển giăng
Mau mau gửi các chiến trường
Áo cho chiến sĩ trên đường lập công
Mặt trời tỏa sáng nắng hồng
Báo tin xuân đến mùa đông sắp tàn.
(Sóng Hồng)


Báo tiệp

Đêm trăng, trăng đi đòi nợ thơ. Có nhà trăng vào rồi phải ra tay không, vì chủ nhà bận lo việc nước, không rảnh mà trả nợ. Cái ông cụ yêu thơ ấy đã ngủ muộn, lại phải dậy sớm. Đang mơ màng giấc điệp, bị tiếng chuông từ cái lầu trên núi nào đó phá giấc. Nhưng mà lầu nào trên núi? Chắc là nhà sàn, còn chuông chắc là chuông điện thoại: Liên khu gọi sớm để báo tin thắng trận!

Nguyên văn

Nguyệt thôi song vấn: thi thành vị?
Quân vụ nhưng mang vị tố thi
Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng
Chính thị Liên khu báo tiệp thì!


Dịch nghĩa

Trăng đẩy cửa sổ hỏi: thơ xong chưa?
Việc quân bận rộn chưa làm thơ
Tiếng chuông lầu núi làm tỉnh giấc mộng thu
Chính là Liên khu báo tin thắng trận!

Dịch thơ

Bản 1:

Dòm song trăng hỏi thơ đâu?
Việc quân bàn kỹ tính lâu, muộn giờ
Chuông lầu réo động giấc hồ
Liên khu báo gấp: quân vừa thắng to!


Bản 2:

Đẩy cửa trăng vào hỏi nợ thơ
Việc quân bận quá nhé mai chờ
Lầu núi chuông vang bừng giấc điệp
Toàn thắng tin về đẹp quá mơ!


Bản 3:

Đợi lâu dòm song trăng hỏi
Việc quân bận quá quên thơ
Lầu núi chuông vang tan mộng
Liên khu báo chính tin chờ!


Bản dịch thơ khác

Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.
(Huy Cận)



Thu Tứ
Viết năm 2018
Sửa tháng 11-2019









________
(1) Trần Trọng Kim, trong lời mở đầu
Đường thi.
(2) Các vua Lý, vua Trần, vua Lê Thánh Tông có làm thơ, nhưng hình như đều làm trước hay sau chiến tranh.
(3) Trong
Nhật ký ở rừng, (4) Trong bài “Tình chiến dịch”, (5) Trong bài “Mỏm Lũng Cú tột bắc”.
(6) Sài là chó sói, lang cũng là chó sói, sài lang là “loài thú tham tàn” (
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh).
(7) Trong hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Bản dịch hay, chỉ tiếc hai chữ “sài lang” dịch thành “sói cầy” chưa ổn”. Chưa ổn bởi “sói cầy” là từ ghép miễn cưỡng. Cầy ăn côn trùng, chuột, chim nhỏ v.v., không hề là một mối đe dọa đối với loài người; chỉ có người ăn thịt cầy chứ cầy không ăn thịt người!
(8) “Trăng trong” đây là đảo ngược “trong trăng”.
(9) Trong nhiều nghĩa của chữ “chính”, có nghĩa là “đầu tiên”. Chẳng hạn, “chính nguyệt” là tháng đầu tiên của một năm, tức tháng giêng (
HVTĐ của ĐDA).
(10) Ý nói trời nước một màu?