Thơ hát nói là một thành tích đáng ca ngợi của các nhà nho Việt Nam.

Tiếc mở đầu khổ nhì điển hình là hai câu thơ tiếng Tàu! Tưởng tượng sau lưng một người Việt Nam mặc áo dài đội khăn đóng có chiếc đuôi sam lủng lẳng!

“Ôn cố
ưu tân”. Liệu sẽ đến chăng cái ngày nhà thơ Việt Nam ngâm thơ Việt Nam mà chốc chốc lại xổ tiếng Ăng-lê!!!

(Thu Tứ)



Phạm Thế Ngũ, “Một kỳ công tổng hợp”




Bài hát nói, xét quy tắc (...) gần gụi thể song thất lục bát (...) có thể coi như một bước tiến, một biến thể của lối song thất (tr. 425)

một đằng về số chữ số câu, vết tích của thể song thất, một đằng về gieo vần, vết tích của cách nói lối rất thông dụng trong tuồng hát của ta (tr. 426)

Lối gieo vần (...) đúng là vần trong vè hay nói lối (...) Trong các tuồng hát của ta, bên cạnh những điệu ngâm, vãn, có một điệu gọi là viết, hay nói, hay bạch, hay nói lối. Ở điệu này thể văn và vần gieo chính là cách nói lối. (tr. 427)

Những câu nói lối ấy đều đặt đối nhau, sự hiệp vận về cuối và sự gián cách bằng trắc khiến cho câu văn rắn rỏi mạnh mẽ, thích hợp với giọng tuyên xướng trên sân khấu. Hát ả đào (...) ban đầu (...) cả đàn ông (kép) cũng hát. Hát ả đào cũng trình diễn như tuồng trên sân khấu. Cho nên câu văn hát nói có đồng điệu với câu nói lối hát tuồng cũng không có gì lạ (...) chỉ là một vết tích về nguồn gốc ca kịch của nó thôi, và có lẽ cũng là lý do khiến người ta gọi là bài hát nói. (tr. 427)

Tóm lại bài hát nói có thể coi như con đẻ của song thất và nói lối. Song thất đã cho nó cách chia khổ và yêu vận. Nói lối cho nó cước vận. Cả hai cùng để lại ở nó dấu vết đối ngẫu. Tuy nhiên nó (...) phóng túng hơn (...) Trong câu, số chữ (...) không hạn định. Thanh luật chỉ cần tuân theo nguyên tắc điều hoán sơ đẳng. Yêu vận xê xích thế nào cũng xong, chẳng có cũng được. Ðối ngẫu chỉ cần ở hai câu đầu khổ nhì. Thường hai câu này văn gia hay dùng hai câu thơ thất ngôn Ðường luật chữ Hán. Ðó có lẽ là một kỷ niệm của bài bát cú Trung Hoa. Có khi nó lại đèo thêm một hai cặp mưỡu, như một quà tặng của điệu lục bát căn bản của dân tộc. Thật là một kỳ công tổng hợp! (tr. 427 - 428)


(Phạm Thế Ngũ,
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nxb. Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961-1965, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)