“Lửa thử vàng đây!”




Hỏi: Ông định phát biểu về đại dịch Covid-19… Liệu bây giờ có còn sớm quá không?

Đáp: Cái đó tùy vào nội dung cụ thể. Có những nội dung không đòi phải chờ đợi thêm. Sau đây tôi xin trình bày nhận định về hiện tượng ở Việt Nam tổn thất dịch rất nhẹ, trong khi ở Mỹ thì ngược lại. Mục đích phát biểu là một lần nữa cảnh tỉnh những người Việt Nam bất mãn chế độ, tự ti mặc cảm về văn hóa dân tộc và ảo tưởng về Tây phương. Trước khi bắt đầu, tôi muốn bày tỏ lòng thiết tha mong muốn tình trạng hết sức đáng tiếc ở Mỹ và một số nước châu Âu sẽ sớm chấm dứt. Tôi tin rằng chính phủ và nhân dân các nơi ấy hoàn toàn có khả năng chống dịch thành công.

Hỏi: Bây giờ chắc ông muốn nêu ra những số liệu thống kê mới nhất…

Đáp: Vâng. Theo trang worldometers.info, vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 15/4/2020, ở Việt Nam có 267 người nhiễm bệnh và chưa xảy ra tử vong. Ở Mỹ, có 611.156 người nhiễm bệnh và 25.924 trường hợp tử vong. Từ ngày 13/4/2020, Mỹ đã liên tục dẫn đầu thế giới về cả hai hạng mục thống kê.

Hỏi: Số liệu về tình hình dịch ở Việt Nam có đáng tin không?

Đáp: Bệnh do Covid-19 gây ra điển hình có những triệu chứng đặc thù. Nếu xảy ra nhiều, nhất là nếu có tử vong, thì rất khó che giấu, sẽ có những kẻ lập tức tung tin lên Mạng và sau đó các thế lực thù địch sẽ xúm lại khai thác. Đằng này, có thế lực thù địch đã bất đắc dĩ phải lên tiếng nhận rằng nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình “được và đúng”. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam thì chào mừng nhà nước Việt Nam “làm xuất sắc” công tác chống dịch.(1)

Hỏi: Nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới đã ca ngợi…

Đáp: Vâng. Cho tới hôm nay, theo tôi biết, đó lả hãng thông tấn Deutsche Welle của Đức, báo Financial Times và báo The Guardian của Anh, hãng thông tấn Sputnik và báo Novosti Petrozavodsk của Nga, báo L’Obs và báo Liberation của Pháp, hãng thông tấn EFE của Tây-ban-nha, trang elojodigital.com của Á-căn-đình, báo The New York Times của Mỹ, trang aspistrategist.org.au của Úc, báo Times of India của Ấn-độ và hãng thông tấn Reuters (quốc tế, bản doanh ở Anh). Tôi muốn thêm rằng cả WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) cũng đều đã ghi nhận thành công của Việt Nam. Kể từ ngày thống nhất đất nước, chưa bao giờ Việt Nam được dư luận quốc tế chú ý nhiều như bây giờ.

Hỏi: Ông giải thích thế nào thành công to lớn này?

Đáp: Kết quả của việc nước tùy thuộc vào cả nhà nước lẫn nhân dân.

Về nhà nước Việt Nam, thì do cơ chế độc đảng, khi cần có thể hành động rất nhanh chóng và quyết liệt. Dịp này, sau khi biết bên Trung Quốc có dịch, nhà nước đã gần như ngay lập tức chặn không cho dịch xâm nhập bằng cách vừa hạn chế nhập cảnh vừa thực hiện cách ly trong một thời gian đối với những trường hợp được nhập cảnh (như công dân trở về nước). Nhưng do việc chống “ngoại xâm” không thể thành công hoàn toàn, nhà nước Việt Nam đã cùng lúc cho tiến hành nhiều biện pháp cần thiết: phát minh, chế tạo bộ thử loại vi-rút mới, xét nghiệm miễn phí, chữa miễn phí nếu bệnh đã phát, tích cực truy tìm những cá nhân có thể đã bị lây nhiễm, không để cho xảy ra “mất dấu”, thực hiện cách ly xã hội (đóng cửa trường học, điểm tham quan, du lịch, vui chơi, hạn chế quy mô lễ hội, hạn chế đi lại v.v.), phổ biến rộng rãi kiến thức phòng bệnh, yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang, tổ chức sản xuất thêm những thứ cần dùng như khẩu trang, trang phục bảo hộ y tế, thúc đẩy gấp rút nghiên cứu chế tạo máy thở v.v. Sự quan tâm chuẩn bị cho tình huống xấu của nhà nước Việt Nam còn đến mức ngày 25/3, Thủ tướng đã quyết định yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Hỏi: Thế còn về phía nhân dân Việt Nam?

Đáp: Trước khi nói đến nhân dân nói chung, tôi xin nêu vai trò đặc biệt tích cực của quân đội, công an, đoàn thanh niên cộng sản, nhân viên y tế trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19. Thời bình mà có những đơn vị quân đội phải bỏ doanh trại vào rừng tạm trú để nhường chỗ cho người cách ly, có những chiến sĩ được bố trí ở lại để công tác đủ thứ tạp dịch phục vụ đồng bào! Đồng thời, không biết bao nhiêu bộ đội biên phòng phải ngày đêm dãi nắng dầm mưa canh giữ biên giới không cho dịch lén lút xâm nhập. Công an thì bận rộn làm nhiệm vụ chốt những khu vực cách ly, ổ dịch và truy tìm những người có thể đã bị lây nhiễm vi-rút. Khắp nơi, ta thấy nhiều nam nữ thanh niên trong bộ đồng phục màu xanh dương đang ra sức giúp đỡ đồng bào. Và dĩ nhiên, trong các viện có bệnh nhân dịch mới đang nằm, bác sĩ y tá v.v. được tha hồ thiếu ngủ! Có tiếng nổ nào đâu, đám cháy nào đâu, có máu đổ thịt rơi đâu, thế mà trên đất nước bây giờ có nơi có lúc căng thẳng như đang đánh giặc! Và tôi chắc chắn cũng y như trong chiến tranh bom đạn, đang có những đơn vị, cá nhân xứng đáng được gắn huân chương, phong danh hiệu anh hùng!

Hỏi: “Chống dịch như chống giặc” mà! Ta hãy nói sang đóng góp của đông đảo nhân dân trong cuộc “kháng chiến” kỳ lạ.

Đáp: Quả thực là kỳ lạ. Bởi vì để tham gia việc nước lần này, số đông không hề phải làm điều gì khó nhọc, vất vả. Chỉ cần chịu khó đeo khẩu trang và nhịn ra đường, tụ tập. Tôi thấy nói chung nhân dân Việt Nam đang chấp hành rất nghiêm túc các quy định chống dịch của nhà nước. À, về cái khoản nhịn vừa nói, nếu không biết người thì dễ xem thường mình lắm. Phải biết nhân dân Tây phương họ vi phạm lệnh cách ly “ác” như thế nào thì mới hay người Việt Nam ta là có tinh thần kỷ luật…

Hỏi: Chuyện bên Tây ông có thể kể sau. Bây giờ xin hỏi từ khi đại dịch bắt đầu đến nay, trong xã hội Việt Nam có những hiện tượng, hình ảnh tích cực nào đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi ông?

Đáp: Tôi xin trước tiên nêu lên một nét dân tộc tính cao quý mà Covid-19 làm hiển hiện. Như tất cả chúng ta đều biết, lệnh cách ly toàn xã hội gây khó khăn vật chất to lớn cho những người nghèo. Dĩ nhiên nhà nước Việt Nam có biện pháp giúp đỡ họ. Nhưng ngoài ra, bỗng dưng ta thấy xuất hiện rất nhiều người hảo tâm đem gạo, bánh mì, mì gói, trứng vịt, nước mắm, dầu ăn v.v. ra chất ngoài hiên thềm nhà mình, treo biển mời “Ai cần xin cứ đến lấy”! Có người nấu cháo, nấu xôi hay gói sẵn từng bọc khẩu phần… Mấy hôm nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, mọi người lại đang xôn xao cả lên vì cái sáng kiến từ thiện kỹ thuật cao là dựng những cái máy “ATM” chứa gạo! Trông bao nhiêu bà con cô bác nghèo tới đứng xếp hàng đợi “rút” trong những ô vuông kẻ sẵn trên sân cách nhau đúng tiêu chuẩn cách ly mà ngơ ngẩn! Có nơi lại còn ý tứ cắm ở mỗi ô một cái dù lớn để che nắng che mưa. Gạo cho máy, thì thỉnh thoảng thấy có “Mạnh Thường Quân” đem đến từng bao lớn… Ngày 13/4, chuỗi “chợ không đồng” Hạnh Phúc bắt đầu hoạt động ở Hà Nội và bảy thành phố, khu đô thị khác: ai gặp khó khăn cứ vào lấy miễn phí những thức cần dùng! “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” là như thế này đây!

Cũng gây ấn tượng rất mạnh nơi tôi là hình ảnh những Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng tuổi 90 ngoài đang ngồi cắt may khẩu trang hay đưa góp chút tiền dành dụm vào quỹ chống dịch ở địa phương. Các Mẹ yêu nước không bao giờ biết mệt mỏi hay sao? Thời gian đã để dấu thật rõ trên những khuôn mặt ấy, nhưng không mảy may thay đổi được những tấm lòng…

Rồi những phát biểu bày tỏ hân hoan cao độ trước sự kiện Việt Nam chống dịch thành công của vô số người trên các mạng xã hội cũng làm cho tôi thấy vui vô cùng. Nhất là những lời hết sức nhiệt liệt của đông đảo cựu chiến binh. Tuổi nay đã cao, mà tinh thần các chú các anh vẫn y như trong thời khói lửa!

Hỏi: Ngoài cực kỳ phấn khởi về thành quả của nỗ lực chống dịch ở nước mình, không ít người Việt Nam còn đang thích thú trước những bức ảnh Covid-19 có nội dung liên hệ đến nước ngoài hay người nước ngoài…

Đáp: Ý ông muốn nhắc đến buổi lễ Việt Nam trao tặng vật tư y tế cho Pháp, Đức, Ý, Tây-ban-nha, Anh, buổi lễ riêng cho bạn Nga, việc Mỹ mua gần nửa triệu trang phục bảo hộ y tế sản xuất ở Việt Nam và việc một số người nước ngoài bày tỏ lòng biết ơn sau khi được chữa khỏi bệnh do Covid-19? Vâng, đây quả thực là những hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt tích cực về tình hình đất nước.

Hỏi: Bây giờ ta chuyển qua xem xét diễn biến đại dịch ở Mỹ. Tại sao Mỹ không biết muộn hơn Việt Nam về đe dọa Covid-19 mà tình hình bên ấy lại xấu như vậy?

Đáp: Tôi thấy thảm kịch có ít nhất ba nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất thuộc về chính trị. Ngẫu nhiên, khi đại dịch xuất hiện thì tổng thống Mỹ là một người của đảng Cộng hòa, là chính đảng chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế, cho rằng kinh tế tốt thì đời sống vật chất của dân cũng tốt theo và ngược lại. Trước nguy cơ Covid-19, câu hỏi căn bản cho người lãnh đạo tối cao là: Nên vì kinh tế mà trì hoãn chống dịch, hay nên vì đe dọa trước mắt đối với sinh mạng người dân mà tiến hành chống dịch ngay? Một cách tự nhiên, ông Donald Trump thiên về trì hoãn. Đã vậy, cuối năm nay dân Mỹ sẽ bầu lại tổng thống. Kinh tế quốc gia mà lên thì có lợi cho tổng thống tại chức. Nỗ lực chống dịch sẽ làm kinh tế xuống dốc. Hẳn mong muốn được tiếp tục cầm quyền (để làm lợi cho nước) đã kết hợp với chủ trương đảng khiến ông Trump dứt khoát không đẩy mạnh ngay việc chống dịch. Nếu Covid-19 chịu mau chóng biến mất, thì đó đã là một quyết định được ca ngợi. Rủi ro, giặc dữ không biến mà lại thừa cơ lộng hành!

Trong một quãng thời gian rồi sẽ biết là đã quá dài, ngoại trừ việc từ chối nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ Trung Quốc (nhưng vẫn mở cửa cho người từ Âu châu – một sai lầm vô cùng tai hại), nhà nước liên bang Mỹ không khẩn trương tiến hành một biện pháp đối phó hay chuẩn bị đối phó nào cả. Mãi đến ngày 13 tháng 3, ông Trump mới tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc. Bấy giờ đã quá muộn rồi, không biết bao nhiêu người Mỹ đã trở thành xe chở Covid-19, sẵn sàng “chia sẻ” nó với vô số người Mỹ khác!

Hỏi: Chủ trương trì hoãn của nhà nước liên bang Mỹ đã khiến xảy ra chuyện một siêu cường về khoa học và công nghệ mà lại…

Đáp: Hẳn ông muốn nhắc đến ở Mỹ việc phát minh và chế tạo bộ thử Covid-19 đã chậm bất thường. Đó một phần do lỗi kỹ thuật của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), một phần do chính quyền trung ương đã không linh động thay đổi những quy định hành chính nhiêu khê về xét nghiệm. Sức mạnh công nghệ sẵn có không được dùng kịp thời cũng đã dẫn tới tình trạng thiếu thốn trầm trọng vật tư y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy thở v.v. Tổng thống Mỹ đã phải gọi điện xin một số nước bạn tiếp tế.(2) Pháp và Đức đã phải lên tiếng phàn nàn rằng Mỹ đã mua giành mua giật hàng Trung Quốc với mình, hành động như “hải tặc”!(3) Việc Mỹ mua hàng chống dịch từ Nga là bất đắc dĩ.(4) Rồi việc hai tỉ phú Tàu tặng 1.000 máy thở cho bang New York, sau khi FEMA chỉ cung cấp được 400 máy, cũng không lợi cho tiếng tăm của Mỹ.(5)

Hỏi: Chính trị là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai là gì?

Đáp: Đó là tổ chức y tế. Ở Mỹ cái quan hệ rắc rối, và nặng tính trục lợi, giữa các cơ sở khám chữa bệnh và các công ty bảo hiểm sức khỏe nó làm cho giá dịch vụ y tế trở nên cao một cách cực kỳ vô lý. Tự bỏ tiền ra trả là việc hoàn toàn không thực tế đối với đại đa số. Phải mua bảo hiểm, hoặc phải được nhà nước trợ cấp. Nhưng có những người Mỹ không đủ tiền mua bảo hiểm mà cũng không đạt tiêu chuẩn được trợ cấp. Họ sợ tốn tiền, không dám đi xét nghiệm, nói chi đi chữa! Và thế là, ngoài ý muốn, họ trở nên những nguồn dịch vô danh. Vẫn biết khi tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức nào đó, sẽ có những thay đổi cần thiết. Nhưng khi ấy đã quá muộn rồi.

Hỏi: Thế còn nguyên nhân thứ ba?

Đáp: Nguyên nhân cuối là đặc điểm văn hóa. Văn hóa Tây phương có hai đặc điểm không có lợi cho việc chống đại dịch.

Thứ nhất là tâm lý tự tôn. Tôi nghĩ phản ứng chậm trễ hết sức đáng tiếc đối với Covid-19 ở Âu và Mỹ có một phần là do nói chung người Tây phương không tin đại dịch có thể xảy ra nơi họ sống. Ngoài ra, tâm lý ấy cũng dẫn tới một sai lầm về biện pháp phòng ngừa thật tai hại. Rất lâu sau khi biết có dịch mới, các chuyên gia đầu ngành Tây phương vẫn khăng khăng cho rằng quần chúng đeo khẩu trang là vô ích. Chẳng hạn, ông Robert Redfield, giám đốc CDC, khi ở Hạ viện Mỹ có người hỏi là liệu có nên khuyên toàn dân đeo khẩu trang hay không, đã trả lời gọn lỏn, chắc nịch: “Không”.(6) Họ đinh ninh là mình đúng, có người chế giễu hiện tượng dân Á Đông đồng loạt đeo khẩu trang. Nhưng đến ngày 1 tháng 4, trang cnn.com bỗng đăng một bài viết tựa đề “Á châu có lẽ đúng…” và hai hôm sau, tổng thống Mỹ cho biết chính CDC bây giờ lại khuyên dân Mỹ nên đeo khẩu trang!(7) Một biện pháp thật bé nhỏ, nhưng đã có thể cứu được rất nhiều sinh mạng.

Nét văn hóa Tây phương tai hại thứ hai là khuynh hướng đặt tự do cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng. Đây tôi muốn nhắc đến hiện tượng không tuân thủ lệnh cách ly. Ngày 23/3, mười ngày sau khi tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn nước Mỹ và ba ngày sau khi thống đốc bang ra lệnh “Ở nhà!”, các bãi biển California vẫn đông nghẹt.(8) Ở trung tâm dịch Âu châu lớn nhất lúc ấy là Ý, lệnh này được ban hành ngày 9/3, thì đến ngày 23/3 đã có hàng trăm nghìn người bị cảnh sát biên giấy phạt vì vi phạm!(9) Ở Anh, ngày 5/4, khi dịch đã hoành hành, nhà chức trách phải đóng cửa ít nhất một công viên lớn vì hơn 3000 người đang tụ tập!(10)

Hỏi: Ta hãy trở lại Việt Nam. Hướng về tương lai, ông có những cảm nghĩ gì?

Đáp: Trước tiên là lo lắng. Càng kéo dài cách ly xã hội và không cho người nước ngoài nhập cảnh thì khó khăn kinh tế càng lớn, mà chấm dứt sớm thì sợ dịch bùng nổ! Bất kể nhà nước quyết định như thế nào, nhân dân Việt Nam phải luôn tuân thủ hết sức nghiêm túc mọi lời khuyên của Bộ Y tế.

Hỏi: Lo lắng là hợp lý. Nhưng hẳn trong tình hình khả quan hiện tại, ông cũng có những cảm xúc nhẹ nhàng hơn…

Đáp: Vâng, đúng vậy. Đã sắp tròn 45 năm ngày thống nhất đất nước. Nếu ta có thể kỷ niệm một đại thắng bằng một đại thắng khác thì thật là tuyệt vời! Ngày 30 tháng 4 năm nay chắc sẽ thiếu pháo hoa. Tôi thiết tha mong ước và tin tưởng rằng không lâu sau đó, pháo hoa sẽ nở đầy trong lòng tất cả người Việt Nam yêu Tổ quốc!



Thu Tứ
Ngày 15/4/2020























___________
Bài viết này chỉ mang dáng một bài phỏng vấn. Người hỏi và người đáp đều là chính tác giả.
(1) Trang
facebook của đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, ngày 31/3/2020.
(2) Trang
cnn.com ngày 24/3/2020.
(3) Trang
bloomberg.com ngày 3/4/2020 và trang theguardian.com cùng ngày.
(4) Trang
cnn.com ngày 2/4/2020.
(5) Trang
time.com ngày 4/4/2020. FEMA là Cơ quan Quản trị Tình huống Khẩn trương Liên bang.
(6) Trang
cnn.com ngày 1/4/2020.
(7) Trang
cbsnews.com ngày 3/4/2020.
(8) Trang
cnn.com ngày 23/3/2020.
(9) Trang
cnn.com ngày 24/3/2020.
(10) Trang
euronews.com ngày 5/4/2020.