“Giật mình còn ngỡ...”




Mỹ Tho, cái tên cũng ngộ. Tiếng Việt có từ thơm tho: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho”. Nhưng Tho Mỹ chắc khác tho thơm. Tiếng của dân tộc anh em nào chăng, mà nghĩa lý ra sao?

Ðâm thắc mắc chữ nghĩa, chẳng qua tại sực nhớ những chuyến đi... Mỹ hồi còn con nít. Sài Gòn - Mỹ Tho, 70 cây số. Hễ xuống tới rồi thì đòi mua kẹo chuối đen thui ăn cho nhức hết răng. Còn trên đường đi, qua khỏi Bình Chánh một chút là bắt đầu hóng ăn khóm ở cầu Bến Lức. Cầu quá hẹp, xe cộ muốn qua phải đậu lại nhường nhau, thành cơ hội cho các cô bán khóm mời mua tới tấp. Cái trái nhiều “mắt” có tới ba tên: ngoài Bắc nó là dứa, trong Nam nó là khóm, còn ở miền Trung “thương về” thì nó lại là thơm (bộ có mình nó thơm thôi sao!).

*

Trên đường đi Mỹ, gặp thơm. Còn đi quá Mỹ, tới ngã ba Trung Lương mà không chịu chạy thẳng vô châu thành mua kẹo chuối, cứ đi nữa thì rồi sẽ gặp cơm tấm.

Ðường bộ xuống miền tây, một thời “lắt lẻo”. Cầu phải đợi mới được qua. Nhưng mà có cầu để đợi còn đỡ. Tới Mỹ Thuận thì thôi khỏi lo chuyện xe qua nhường xe lại cho mệt. Gần tới bắc, xuống xe, tà tà cuốc bộ ra phà, vừa cuốc vừa ngó hàng quán dựng um sùm bên đường. Trời, sao mà bán đủ thứ đồ ăn, thấy bắt... đói. Chúa hay làm con nít tưởng kiến đang bò bụng là món cơm tấm sườn. Khói thịt nướng thơm quá thơm, vậy mà người lớn đành tâm bước thẳng!

*

Mối hận không được thưởng thức cơm tấm sườn ở bắc sau này đã “trả”. Lớn lên, đi xa nước, rồi trở về nước, rồi đi lòng vòng thăm nước, khi xuống miền tây qua bắc đã cố ý dừng chân nơi một quán có khói thơm, kêu một dĩa và một chai, ngồi lai rai cho trễ chuyến phà!

*

... Y chỗ đó, hồi xưa có một thằng nhỏ vừa đi vừa ngó vô quán. Rồi hăm mấy năm sau có một thanh niên bước vô quán, vừa ăn cơm tấm uống bia vừa nhớ thằng nhỏ. Rồi gần hai chục năm nữa có một người lớn tuổi đứng ngay đằng trước chỗ... không có gì hết mà nhớ cả thằng nhỏ lẫn thanh niên...

Trưa nắng, cầu Mỹ Thuận xe lên xe xuống rộn ràng.



Thu Tứ
Viết năm 2007 hay 2008