“Quốc gia Việt Nam”




Hỏi: Chuyện cũ lắm rồi. Tại sao ông thấy cần nhắc lại?

Đáp: Vì có những người đổi đen thay trắng, bảo cái “thực thể” đó không phải là một ngụy quyền.

Hỏi: Ông định bác bỏ ý kiến của họ như thế nào?

Đáp: Để khỏi bị cho là thiếu khách quan, tôi sẽ cơ bản không dẫn nguồn Việt Nam, mà dẫn những nguồn Tây phương.

Hỏi: Có cần phải công phu tìm kiếm không?

Đáp: Nhờ Mạng, không tốn bao nhiêu công. Tôi xin bắt đầu bằng một trích dẫn cho thấy quốc tế nhận định thế nào về việc Pháp làm ở Việt Nam sau Thế chiến thứ Hai. Trang Mạng bách khoa tiếng Anh en.wikipedia.org chép:

“Cố gắng tái thuộc địa hóa Việt Nam của Pháp sau Thế chiến thứ Hai kết thúc với chiến bại quyết định ở Điện Biên Phủ”.(1)

Quốc tế biết ý định của Pháp là chiếm lại thuộc địa…

Hỏi: Thế thì theo nó dĩ nhiên là ngụy, còn phải nói thêm gì nữa!

Đáp: Quả thực vậy. Nhưng ta hãy cứ tiếp tục đọc những ghi chép của quốc tế về cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”.

Vẫn trang en.wikipedia.org, trong mục “The State of Vietnam”:

“… do Pháp tạo ra năm 1949”. Một đất nước, mà không phải do một dân tộc tự dựng lên, mà do một nước khác tạo ra!!! Hãy nhớ xưa kia Văn Lang, Âu Lạc, Đại Việt đâu có nhờ được “thiên triều” tạo ra mà có!

“… có quyền tự trị hạn chế (partial autonomy) với tư cách một quốc gia liên kết (associated state) trong Liên hiệp Pháp”. Đã chỉ là tự trị thôi, không phải độc lập, mà lại còn bị hạn chế! “Quốc gia liên kết” là một mỹ từ được sáng kiến để gợi ý quan hệ bình đẳng, trong khi sự thực là ngược lại! Nên biết Liên hiệp Pháp không phải là một hiệp hội những quốc gia độc lập như kiểu ASEAN, mà là một tổ chức phân biệt đẳng cấp trong đó nước Pháp đứng cao hơn hẳn tất cả các “thực thể” khác như một người lớn đứng giữa bầy thiếu nhi. Về thực chất, quan hệ giữa Cộng hòa Pháp và “Quốc gia Việt Nam” không khác quan hệ giữa Đế quốc Pháp và “nước An Nam”. Tức đây là bình mới, dán nhãn cập nhật đẹp đẽ, nhưng rượu cơ bản vẫn là rượu cũ, rất đậm đà cái hương “Mẹ Và Con” cực kỳ khó ngửi!

Quốc tế ngắm bình đọc nhãn, rồi mở nắp… Trang en.wikipedia.org chép tiếp:

“Từ Cách mạng tháng Tám, Việt Minh đã nắm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Việt Minh thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (…) Nhằm mục đích giảm ảnh hưởng của người cầm đầu Việt Minh là Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam, người Pháp (…) dựng những chính quyền con rối (puppet states), kể cả Quốc gia Việt Nam”.

Tới đây thì sự thực được minh bạch khẳng định: Quốc gia Việt Nam là một chính quyền con rối!

Hỏi: Tại sao “những (…) con rối”?

Đáp: Vì khi tái xâm lược, Pháp đã sớm dựng con rối chứ không phải đợi đến năm 1949 mới dựng. Rối sớm nhất là Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ còn rất cục bộ, xấu xí, lộ liễu. Quốc gia Việt Nam là rối chót, đỉnh cao của trò.

Hỏi: Từ “chính quyền con rối” trong tiếng Anh có tương đương với từ “ngụy quyền” ta thường dùng hay không?

Đáp: Hoàn toàn tương đương. “Ngụy” nghĩa là giả, dối. Ngụy quyền là chính quyền giả, dối. Con rối thì mọi cử động đều không thật, đều do có người giật dây. Đây tiếng Anh dùng hình tượng để gợi bản chất, còn tiếng Việt thì gọi thẳng bản chất.

Hỏi: Có lẽ ông muốn dẫn thêm một nguồn Tây phương nữa…

Đáp: Vâng. Bản Mạng của từ điển bách khoa Britannica viết:

“Người Pháp lúc đầu tự tin sẽ thắng và trong một thời gian dài đã không chú ý đến lý do chính trị thực sự của cuộc chiến tranh là cái khát khao giành lại độc lập và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam (…) Những nỗ lực giải quyết vấn đề ấy của người Pháp đều xảo quyệt và vô hiệu quả (“devious and ineffective”). Năm 1949, họ trả Nam kỳ, tuyên bố khai sinh Quốc gia Việt Nam và chỉ định cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng. Tuy nhiên, hầu hết người Việt Nam yêu nước đã không bị lừa bởi nước cờ này và vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến giành độc lập vẫn thuộc về Việt Minh”.

Ý nghĩa của cuộc đánh Pháp và vai trò của Việt Minh được trình bày hoàn toàn chính xác. Người Việt Nam tự tóm tắt sử nước mình cũng viết thế thôi!

Về chính quyền Quốc gia Việt Nam, nội dung vừa dẫn trên không để cho ai nghi ngờ rằng đó không phải là một con rối!

Hỏi: Con rối ấy ngoài vai trò chính trị là chia rẽ dân tộc, còn có “nghĩa vụ” quân sự quan trọng hơn những con rối trước…

Đáp: Đúng vậy. Trước sự chống cự quyết liệt của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Pháp thấy cần tăng mạnh cả số lượng lẫn chất lượng của lực lượng vũ trang tay sai. Quân đội Quốc gia Việt Nam được gấp rút xây dựng để làm một việc hết sức vinh quang là giúp ngoại bang chiếm lại đất nước mình cho bằng được! Thân phận của những người cầm súng bất hạnh ấy ám ảnh đến nỗi một nhà văn chống cộng chuyên nghiệp đến cuối đời văn vẫn không khỏi “lỡ bút” rất bộc lộ: “... hoàn cảnh éo le của lớp thanh niên bị buộc phải chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp, đánh nhau với cộng sản trong hàng ngũ kháng chiến quân (...) nhục nhã, phẫn uất, dằn xé nơi họ”.(2) Ai buộc bao nhiêu thanh niên Việt Nam phải làm điều đại bất nghĩa đây? Còn ai đây nữa!

Hỏi: Ông nghĩ sao về việc Pháp trả Nam kỳ khi tạo ra Quốc gia Việt Nam?

Đáp: Đó là như mẹ trả cho con. Con được trả rồi thì vẫn là con của mẹ, của có mất đi đâu mà tiếc! Đây chẳng qua một trò tâm lý chiến nằm trong kế hoạch giảm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hỏi: Còn chuyện Quốc gia Việt Nam được quốc tế công nhận…

Đáp: “Quốc tế” đây là Mỹ. Có giá trị gì sự công nhận ấy! Chỉ là cái trò đồng minh với nhau giúp nhau diễn kịch con rối!

Hỏi: Bảo Đại là một con rối chuyên nghiệp rất nổi tiếng…

Đáp: Ông ta đã làm hoàng đế con rối của “nước An Nam” thuộc Pháp, rồi làm hoàng đế con rối của “Đế quốc Việt Nam” thuộc Nhật, rồi thoái vị khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, rồi trở lại làm quốc trưởng con rối của “Quốc gia Việt Nam” khi Pháp thấy cần diễn một vở kịch mới. Năm 1997, khi Bảo Đại qua đời, hãng thông tấn Reuters đưa tin: “Quốc trưởng tượng trưng và con rối của chế độ thuộc địa Pháp vừa chết trong một bệnh viện quân đội ở Pa-ri”.

Hỏi: Về việc gọi chính quyền Quốc gia Việt Nam là ngụy quyền, có ý kiến cho rằng nên thôi để tỏ ra nhạy cảm đối với những đồng bào từng có quan hệ với guồng máy ấy và con cháu họ. Ông nghĩ thế nào?

Đáp: Ý kiến này có thể chấp nhận được, nhưng với một điều kiện. Nếu trước kia, giữa lúc đang đấu tranh quyết liệt, để động viên tinh thần nhân dân, ta cần nhấn mạnh bản chất của nó, thì bây giờ thắng lợi đã lâu, ta có gọi nó bằng tên khai sinh cũng không sao. Điều kiện là quốc sử và sách giáo khoa phải nói thật rõ chính quyền Quốc gia Việt Nam là như thế nào.

Vấn đề đây đại khái như cách gọi một kẻ gian có tên là Chính. Lúc ra tay trừ, ta hô “Kẻ gian kia!”. Nhưng trừ xong rồi, khi ghi lại sự việc, ta vừa gọi hắn là Chính, vừa ghi thật chính xác gốc tích, lai lịch, hành động của hắn. Ừ, thì Chính, nhưng mà Chính rất tà đó! Ừ, thì Quốc gia Việt Nam, nhưng đích thị là tay sai của giặc cướp nước!

Tôi nghĩ có lẽ ta nên theo cái cách của trang en.wikipedia.org, là gọi “ngụy quyền” một lần ở chỗ nào đó, còn ở những chỗ khác thì gọi bằng tên khai sinh.

Hỏi: Ông còn điều gì muốn nói nữa không?

Đáp: Tôi xin có hai điều.

Thứ nhất, hướng về quá khứ, tôi thấy việc hiểu sai bản chất của chính quyền Quốc gia Việt Nam đương nhiên dẫn tới một sự đánh đồng có ý nghĩa cực kỳ nghiêm trọng liên hệ đến cả nhà nước lẫn nhân dân ta một thời.

Đối với nhà nước: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là từ nhân dân mà ra, đánh thực dân giành độc lập. Chính quyền Quốc gia Việt Nam là từ thực dân mà ra, theo thực dân đàn áp kháng chiến. Đánh đồng là xúc phạm chính nghĩa.

Đối với nhân dân: Đông đảo đồng bào đã vô cùng gian lao khó nhọc vì nước, thậm chí rất nhiều người đã mất đi sinh mệnh. Một số kẻ đã làm tay sai cho giặc cướp nước. Đánh đồng là xúc phạm hy sinh cao cả.

Hỏi: Thế còn điều thứ hai?

Đáp: Điều thứ hai hướng về tương lai.

Tôi chợt nhớ hai câu mở đầu bài “Lịch sử nước ta”:

“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
.

Nói “gốc tích”, chứ thực ra bài thơ dài ấy đã ôn chuyện “nước nhà Việt Nam” từ đầu cho tới đại khái tận thời điểm sáng tác. Năm 1941 Bác nhắc “dân ta” về bao nhiêu cái vẻ vang cũ nhằm mục đích gì? Là để cho dân nức lòng mà cố làm nên một cái vẻ vang mới hết sức khó làm đó!

Nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên, người Việt Nam đã lập được thêm hai thành tích phi thường là đánh Pháp thắng lợi và đánh Mỹ thắng lợi, làm to hơn nữa cái kho chứa những nguồn tự hào dân tộc. Chắc chắn lúc nào đó một thách thức khổng lồ mới sẽ xuất hiện. Để có đủ tinh thần mà cố vượt qua nó, con cháu ta sẽ cần được nhắc về bao nhiêu món trong kho tự hào. Vì mai sau, ta phải canh kho cho thật kỹ, phòng chống phá hoại!

Tôi xin hết bằng đôi câu phỏng theo thơ Bác:

Dân ta phải GIỮ sử ta
Thay đen đổi trắng, chớ cho kẻ nào!



Thu Tứ
Tháng 9-2020



















__________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
(1) Chỗ chép về đại tướng Mỹ William Westmoreland.
(2) Võ Phiến viết về Duy Lam trong
Văn học Miền Nam - Truyện 1, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1992.