“Việt Nam Cộng hòa” (I)




Hỏi: Ta tiếp tục trình bày sự thực về các chính quyền Sài Gòn. Đề tài lần trước là Quốc gia Việt Nam, đề tài lần này là Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm.

Đáp: Sau Điện Biên Phủ, con rối Quốc gia Việt Nam tưởng sẽ bị vất vào sọt rác của lịch sử, nhưng từ trước khi Pháp buông tay, đã có một đôi mắt ngắm nghía nó cách đặc biệt thích thú, hình dung ra một trò diễn mới...

Hỏi: Đôi mắt ấy đã bị một đôi mắt khác từ lâu theo dõi…

Đáp: Vâng. Sáng ngày 8-5-1954, ngay sau đại thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với nhà thơ Tố Hữu: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ (…) Phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ hơn”.(1)

Hỏi: Tại sao ta chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, để cho đất nước tạm chia hai ở vĩ tuyến 17?

Đáp: Vì quân Pháp còn khá mạnh, Mỹ sẵn sàng tiếp tục chi viện cho nó, nếu ta tiếp tục đánh sẽ quá khó khăn, trong khi cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều ngại chiến tranh kéo dài. Hơn nữa, nó chấp nhận rút khỏi Đông Dương tức là mục tiêu của cuộc kháng chiến lần này đã đạt. Ký cho Pháp cút đã, rồi đợi xem Mỹ diễn trò thế nào mà liệu cách đối phó, nếu cần thì lại trường kỳ kháng chiến.

Về việc chọn vĩ tuyến 17, tôi nghĩ có lẽ địch đã “tham thì thâm”. Nếu Việt Nam Cộng hòa chỉ lớn chừng năm bảy tỉnh gì đó thôi, với cư dân trăm phần trăm chống cộng, theo Diệm, thì có lẽ đã bền hơn. Đằng này, Diệm đòi cai trị cả vô số người không theo mình, như “con ếch muốn to bằng con bò”, nên “vỡ” sớm.

Hỏi: Diễn biến Quốc gia Việt Nam hóa thành Việt Nam Cộng hòa là như thế nào?

Đáp: Trong mục “Nước con rối” (“Puppet state”), trang en.wikipedia.org chép: “Sau chiến thắng của Việt Minh trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 quy định rằng Việt Nam sẽ chỉ bị chia hai (ở vĩ tuyến 17) trong hai năm, trong khi chờ đợi tổng tuyển cử. Tuy nhiên, nhà nước Mỹ và Ngô Đình Diệm sợ rằng phía cộng sản sẽ thắng cử (…) Trong năm 1955, Ngô Đình Diệm, với sự ủng hộ của Mỹ, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng hòa trên nửa phía nam của nước Việt Nam”.

Thực ra Mỹ đã sợ từ trước Điện Biên Phủ. Trong hồi ký Mandate for change 1953-1956 của Eisenhower có lời này: “Tôi chưa bao giờ trao đổi với một người nào có hiểu biết về các vấn đề Đông Dương mà không cho rằng nếu trong lúc hai bên đang giao chiến một cuộc bầu cử chọn người lãnh đạo được tổ chức thì có thể 80% dân Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”.

Kháng chiến thành công tất nhiên làm tăng sự ủng hộ đối với người lãnh đạo kháng chiến. Tuy quá độ trong cải cách ruộng đất có gây hại, nhưng chắc chắn Hồ Chủ tịch chói lọi trong lòng đông đảo nhân dân. Trong khi Ngô Đình Diệm rất đỗi lu mờ: y có làm gì cho đất nước đâu mà đòi sáng! Uy tín cá nhân của Bác và Diệm cực kỳ chênh lệch, lại thêm đảng cộng sản có vô số cơ sở vững chắc từ Bắc chí Nam, còn Diệm thì có gì đâu! Tổng tuyển cử để Diệm chính thức đại bại hay sao!

Hỏi: Tại sao Mỹ chọn Diệm thay Bảo Đại?

Đáp: Vì Bảo Đại đã quá lừng danh rối. Để đi đôi với danh nghĩa độc lập của “tiền đồn chống cộng” đang dựng, Mỹ thấy cần phải chọn một nhân vật có tiểu sử thích hợp hơn.

Hỏi: Diệm có tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Miền Nam…

Đáp: Phải. Trang en.wikipedia.org chép: “Sau một cuộc trưng cầu dân ý gian lận (rigged) trong năm 1955, ông ta tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng hòa, với mình là tổng thống”. Trang historytoday.com thì dùng chữ “trắng trợn lừa đảo (patently fraudulent)” khi viết về màn kịch dàn dựng quá đỗi thô sơ này.

Hỏi: Có ý kiến cho rằng vì Quốc gia Việt Nam không ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ, nên Ngô Đình Diệm không bị buộc phải thi hành quy định…

Đáp: Ta không buộc y vào Hiệp định nào cả, mà chỉ chú ý tới việc kể từ ngày các vua Hùng dựng nước, đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện Tổ quốc bị chia hai!!! Nên nhớ ngay cả vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước vẫn là một: “Trong suốt gần 200 năm họ Nguyễn cát cứ ở miền Nam (...) mặc dầu cát cứ, cũng vẫn theo niên hiệu nhà Lê”.(2)

Hỏi: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”

Đáp: Thực ra, đó cũng là “chân lý” ở tất cả các quốc gia cũng có một lịch sử hình thành, phát triển hữu cơ như Việt Nam. Ta bây giờ mới “bị” lần đầu, chứ Trung Quốc nhiều lần, còn Hiệp Chúng Quốc thì mới non trăm tuổi đã tạm thôi “Hiệp”. Bất cứ ở đâu, bất cứ vì cớ gì, cứ hễ đất nước bị chia cắt là sớm muộn cũng xảy ra chiến tranh để đất nước liền lạc trở lại.

Để ý đây là một trường hợp chia cắt rất bất thường. Điển hình thì hầu hết nhân dân ở bên nào ủng hộ chính quyền bên ấy. Nhưng đây hoàn toàn không phải vậy. Thực tế là ở phía nam vĩ tuyến 17 không hề chỉ có những người chống cộng, mà có vô số nhân dân ủng hộ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự ra đời ngoài ý dân là tiền đề căn bản cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa.

Hỏi: Tại sao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không lập tức tiến hành chiến tranh thống nhất?

Đáp: “Chân lý” bảo phải đánh, nhưng đánh hay chưa thì còn tùy vào tình hình thực tế. Tình hình lúc ấy là Việt Nam Cộng hòa có siêu cường Mỹ đứng ngay sau lưng, chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ “tiền đồn”, mà về phía ta thì nếu đánh ngay, chưa biết mức độ ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc sẽ như thế nào. Ngoài ra, lại còn nhu cầu được nghỉ ngơi, bồi dưỡng của lực lượng vũ trang sau Điện Biên Phủ và nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế Miền Bắc…

Hỏi: Ông nghĩ sao về chuyện hàng triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam?

Đáp: Họ không thích sống dưới chế độ cộng sản thì họ cứ lên tàu Mỹ mà vào Nam. Diệm chia nước nên dời dân. Còn nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì vẫn xem nước Việt Nam là một, nên không dời dân. Nhân dân ở đâu cứ ở nguyên đó, đợi ngày đất nước thống nhất. Ngay cả sau cuộc di cư, ở Miền Nam số người ủng hộ chế độ Diệm vẫn chỉ là một thiểu số.

Hỏi: Lúc đầu, tình hình trong vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa khá ổn định…

Đáp: Việt Minh đã đuổi thực dân, xóa giai cấp địa chủ, Miền Nam là đất dễ sống, lại được Mỹ viện trợ, vật chất cải thiện cho một số người chỉ là điều tự nhiên. Nhưng chắc chắn đa số không được no ấm, vì nếu họ được như thế thì Đảng đã không thể nào “khích động” họ nổi dậy chống chính quyền Sài Gòn hết sức kịch liệt như ta sẽ ôn lại.

Trong sách Nẻo về của ý, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Đất nước chúng ta thế nào rồi cũng sẽ phải trải qua một cơn bão táp tàn khốc. Chế độ đã gây nên quá nhiều bất công và áp bức (…) Bất mãn và căm thù càng lúc càng tăng (…) Lực lượng chống đối càng lúc càng mạnh (…) Chín năm trời (…) đã chín năm trời (…) Sóng gió sẽ đến bất cứ lúc nào”.

Cái tình hình có vẻ ổn trong vài năm đầu ở Miền Nam mà những kẻ chống cộng ưa nhắc tới, nó chỉ là cái nắp trên một cái nồi đang sôi. Hay là sự yên lặng trước bão.

Hỏi: Về chế độ Ngô Đình Diệm, sách vở Tây phương ghi chép thế nào?

Đáp: Từ điển bách khoa Britannica chép như sau: “Với Việt Nam Cộng hòa chia rẽ bởi những nhóm bất đồng và phe phái chính trị, Diệm thành lập một chế độ độc tài và cho người thân của mình nắm những vị trí then chốt (…) Sự thiên vị tín đồ Công giáo làm cho ông ta trở nên không chấp nhận được đối với Phật tử đông đảo hơn rất nhiều (…) Diệm không giữ lời hứa cải cách đất đai, khiến người dân Miền Nam càng hướng về đảng cộng sản khi Mặt trận Giải phóng Dân tộc, tức Việt Cộng, bắt đầu tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính quyền Diệm. Những chiến thuật quân sự mà Diệm dùng để đàn áp Việt Cộng vừa nặng tay vừa vô hiệu quả và chỉ làm cho chính quyền Diệm trở nên mất lòng dân và cô lập hơn nữa”.

Hỏi: Từ khoảng đầu năm 1960, quan hệ giữa Mỹ và Diệm bắt đầu trục trặc…

Đáp: Trang en.wikipedia.org ghi: “Diệm ngày càng thấy kém thoải mái về vai trò của Mỹ (…) Trước tình hình quân Mỹ, dưới danh nghĩa “cố vấn”, tiếp tục đổ vào lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, Diệm phàn nàn to tiếng hơn và một số cố vấn bắt đầu gọi ông ta là (…) một con rối tự giật dây. Sau khi Mỹ thấy Diệm đã trở thành một món nợ hơn là một tài sản, Diệm bị ám sát năm 1963 với sự đồng lõa của CIA…”.

Hỏi: Rối tự giật dây! Nhưng tại sao Mỹ tăng số “cố vấn” và Diệm phàn nàn?

Đáp: Do thấy tình hình ở cái tiền đồn mình mới dựng lên ở Đông Nam Á đang xấu đi rất nhanh chóng, Mỹ sốt ruột, muốn can thiệp sâu hơn. Nhưng Diệm không muốn, chắc vì sợ hiện diện lộ liễu của Mỹ làm mình vốn đã không được lòng dân sẽ càng thêm…

Hỏi: Có lẽ ta ôn lại diễn biến dẫn tới đấu tranh vũ trang ở Miền Nam…

Đáp: Vâng. Chính quyền Ngô Đình Diệm lợi dụng tình hình sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ở Miền Nam không có lực lượng vũ trang bảo vệ cán bộ, đảng viên, cơ sở quần chúng của Đảng mà ra tay cực kỳ tàn bạo. Rất nhiều người đã bị sát hại hay giam cầm, một số lớn phải chạy ra những nơi có địa hình hiểm trở. Trước tình hình ấy, giữa năm 1959 Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, chấp thuận cho nhân dân Miền Nam tiến hành đấu tranh vũ trang, song song với đấu tranh chính trị. Mùa thu 1959, khởi nghĩa Trà Bồng bùng nổ, lan nhanh khắp miền tây tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 1960, phong trào Đồng Khởi xuất phát ở Bến Tre, đến tháng 9/1960 đã phát triển đồng loạt khắp Miền Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời ở Tây Ninh…

Hỏi: Diệm đã cho quân đội Việt Nam Cộng hòa thẳng tay đàn áp. Trước khi nêu kết quả của xung đột, ta hãy so sánh lực lượng đôi bên.

Đáp: Về quân số, theo trang americanwarlibrary.com, cuối năm 1961 quân đội Việt Nam Cộng hòa gồm 243.000 người. Số “cố vấn” Mỹ là 3.200. Ở mục “1962 in the Vietnam War”, trang en.wikipedia.org chép ngày 21/2/1962, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) báo cáo có ước chừng 800 cán bộ và chiến sĩ Quân đội Nhân dân đang ở Miền Nam để giúp khoảng 25.000 Việt Cộng. Đây là lực lượng chính quy của đôi bên, ngoài ra phía VNCH còn có bảo an, dân vệ, phía ta thêm quân địa phương, dân quân du kích. Trong hai năm kế tiếp, quân số địch và ta đều tăng mạnh, nhưng địch luôn có ưu thế tuyệt đối về tổng số người cầm súng.

Về phương tiện chiến tranh, trong khi quân đội VNCH vốn đã được quân Pháp khi rút về chuyển giao lại cho rất nhiều vũ khí, đặc biệt là đại bác, sau đó lại được Mỹ viện trợ thêm xe thiết giáp, máy bay các loại, thì quân Giải phóng do đường Trường Sơn (mở ngày 19/5/1959) còn sơ khai và đường Hồ Chí Minh trên biển đến ngày 23/10/1961 mới bắt đầu hoạt động và do dù bộ hay biển thì việc vận chuyển cũng hết sức khó khăn, chỉ sở hữu một lượng vũ khí rất khiêm tốn, súng lớn đến SKZ, súng cối là cùng. Trong trận tiến công căn cứ Tua Hai ở Tây Ninh ngày 26/1/1960, một số chiến sĩ ta đã phải sử dụng vũ khí tự tạo! Phương tiện chiến tranh còn là phương tiện chở. Trong khi quân đội VNCH di chuyển bằng GMC, quân Giải phóng chỉ có đôi chân mình! Dưới nước, địch ngồi tàu, thuyền máy, ca-nô, ta thì ghe, xuồng chèo tay…

Hỏi: Đối đầu với quân đội Việt Nam Cộng hòa chủ yếu là những người dân đang sống ở phía nam vĩ tuyến 17 mới vừa hóa thành chiến sĩ. Họ vừa ít hơn hẳn, vừa vũ trang yếu ớt hơn hẳn. Khi hai bên giao chiến, kết quả…

Đáp: Hãy ôn lại trận Tua Hai. Bình thường, bên tiến công phải đông gấp mấy lần bên phòng thủ, với hỏa lực áp đảo. Thế mà đây tương quan lực lượng là ngược lại: quân VNCH gồm một trung đoàn, có đại bác, thiết giáp, còn quân Giải phóng gồm chỉ có hơn bốn đại đội trang bị kém sút! Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, quân Giải phóng đã làm chủ trận địa, bảo vệ cho dân công vào lấy đi hàng nghìn khẩu súng (Tua Hai có một kho vũ khí lớn)!

Hỏi: Đây là chiến thắng mở màn vang dội của lực lượng vũ trang Miền Nam, có giá trị động viên tinh thần rất cao đối với phong trào Đồng Khởi vừa mới bắt đầu. Chiến sự sau đó diễn biến ra sao?

Đáp: Quân Giải phóng tiếp tục thắng lợi suốt hai năm. Ngày 18/10/1961, Ngô Đình Diệm tuyên bố tình trạng khẩn trương. Đại tướng Mỹ Maxwell Taylor qua Việt Nam trực tiếp đánh giá tình hình, ngày 1/11/1961 báo cáo mật về Nhà Trắng: “Du kích Việt Cộng đang tiến mạnh trên đường tới thắng lợi ở Nam Việt Nam” (trang vietnamfulldisclosure.org). Sang tháng 12, “Du kích Việt Cộng hiện nay kiểm soát phần lớn vùng nông thôn và thường xuyên phục kích quân Việt Nam Cộng hòa” (trang historyplace.com).

Hỏi: Trước đe dọa đối với sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, phản ứng của Mỹ là gì?

Đáp: Tổng thống Mỹ Kennedy quyết định cho xúc tiến kế hoạch Staley – Taylor, tức chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt”: vừa tăng quân viện và số “cố vấn” Mỹ, vừa giúp Ngô Đình Diệm lập “ấp chiến lược”, vừa ngăn chặn chi viện từ Miền Bắc. Ngày 30/9/1961, “chuyên gia diệt cộng” người Anh Robert Thompson dẫn một phái đoàn đến Sài Gòn, ngày 13/11 y hoàn thành đề xuất lập “ấp chiến lược” ở vùng châu thổ sông Cửu Long, đưa cho Ngô Đình Diệm…

Hỏi: Sau khi địch triển khai “Chiến tranh Đặc biệt” thì tình hình thay đổi ra sao?

Đáp: Về chiến sự, sau khi cung cấp phương tiện cho quân đội VNCH triển khai chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận”, đến đầu năm 1963 Mỹ được một dịp thấm thía kết quả. Trang en.wikipedia.org chép về trận Ấp Bắc (ở tỉnh Định Tường cũ) ngày 2/1/1963: “… có hậu quả sâu xa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và ảnh hưởng lớn đến sự dính líu vào chuyện Việt Nam của Mỹ. Trận đánh này là một cột mốc quan trọng đối với Việt Cộng. Nó chứng tỏ họ có thể đánh bại quân đội Việt Nam Cộng hòa mà trên bề mặt là ưu việt bởi được trang bị tốt với những phương tiện chiến tranh cập nhật”. Đặc biệt, ta có nhận định của hai nhân chứng Mỹ. Trong tác phẩm A Bright Shining Lie được giải thưởng Pulitzer năm 1989, nhà báo Neil Sheehan viết: “Ba trăm năm mươi Việt cộng đã (…) hạ nhục một đoàn quân hiện đại đông gấp bốn lần, trang bị xe bọc thép, trọng pháo, trực thăng và máy bay ném bom (…) Vũ khí mạnh nhất của họ là một khẩu súng cối 60 ly”. Cố vấn John Paul Vann phát biểu: “Họ thật dũng cảm, họ đã cho chúng ta thấy một hình ảnh đẹp về bản thân ngày hôm nay”.(3) Trong Từ điển bách khoa về Chiến tranh Việt Nam do đại học Oxford xuất bản năm 2001 cũng có lời nhận xét rằng trong trận Ấp Bắc, quân Giải phóng là “những chiến sĩ có quyết tâm cao và được huấn luyện tốt”, trong khi quân VNCH “thiếu năng lực, thiếu kỷ luật và hèn nhát”.(4)

Về chương trình lập “ấp chiến lược” thì trong thời gian đầu, đại khái năm 1962, nó có mức độ thành công, gây khó khăn đáng kể cho ta. Nhưng rồi do nhân dân kịch liệt chống đối và được lực lượng vũ trang hỗ trợ, chẳng bao lâu chương trình này bắt đầu phá sản, hết ấp nọ đến ấp kia bị phá tan hoang, nhiều ấp trở thành làng chiến đấu. Trong tác phẩm Vietnam – A History được giải thưởng Pulitzer năm 1983, nhà sử học Stanley Karnow kể: “Tại Hòa Phú, một ấp chiến lược (…) trông như bị trúng bão (…) Một lính gác địa phương giải thích với tôi rằng một số du kích Việt Cộng đã tới trong đêm, vận động nông dân hợp sức phá bỏ nó và trở về làng quê (…) Nếu chiến tranh là để giành sự ủng hộ của người dân, thì nước Mỹ và đối tác ở Nam Việt Nam chắc chắn đã thua ở tỉnh Long An. Cảm tưởng sơ khởi của tôi sau đó đã được xác nhận trong một cuộc khảo sát rộng rãi hơn của Earl Young…”.(5) Dĩ nhiên Mỹ và “đối tác” đã thua khắp Miền Nam chứ không phải chỉ ở Long An. Đến cuối năm 1963 thì 4/5 hệ thống ấp chiến lược đã sụp đổ.

Về việc ngăn chặn chi viện, thì với tinh thần vượt khó, óc sáng tạo và kinh nghiệm từ thời đánh Pháp của quân dân ta, mọi nỗ lực của địch đều không đạt được kết quả mong muốn. Nói đến chi viện, phía ta đã vô cùng khó nhọc mới đưa vào Nam được một số lượng phương tiện chắc chắn chẳng thấm thía gì so với số lượng khủng mà Mỹ hết sức dễ dàng chở qua cho Diệm. Miền Bắc của ít lòng thật nhiều, mà Miền Nam nhận ít rồi “làm” được thật nhiều!

Hỏi: Tại sao quân đội Việt Nam Cộng hòa thời Diệm lại kém đến thế nhỉ?

Đáp: Bởi vì tuy đeo phù hiệu mới, họ vẫn còn cơ bản là những ngụy binh Quốc gia Việt Nam. Nên nhớ đánh nhau với Việt Minh luôn chủ yếu là quân Pháp. Ngụy binh điển hình chỉ được Pháp giao cho làm công tác bình định và bảo vệ những địa bàn quân sự thứ yếu. Trong hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỗ chép về những ngày sau đại thắng, có lời: “Những đơn vị ngụy binh đụng phải quân ta là tan vỡ. Nhiều lính ngụy tự động bỏ ngũ. Bộ chỉ huy Pháp phải dồn quân ngụy vào vòng trong. Những đơn vị quân viễn chinh rệu rã sau cuộc chiến đấu Đông Xuân vừa lo bảo vệ mình, vừa lo canh chừng những đơn vị ngụy binh tháo chạy”. Xuất thân như thế, làm sao quân đội Việt Nam Cộng hòa khỏi kém!

Hỏi: Trong năm 1963, tình hình quân sự đã hết sức xấu, mà tình hình chính trị cũng xấu không kém cho chế độ Ngô Đình Diệm. Phong trào Phật tử đấu tranh chống thiên vị tôn giáo bùng nổ dữ dội, với hàng loạt cuộc đấu tranh rất lớn xảy ra ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, bảy vị tăng sĩ Phật giáo lần lượt tự thiêu…(6)

Đáp: Nghiêm trọng và nghiêm trọng làm cho những phe nhóm ở Sài Gòn muốn lật đổ Diệm ngày thêm quyết tâm, và rồi chính tổng thống Mỹ Kennedy cũng cảm thấy cần “thay ngựa giữa dòng”. Ngày 1/11/1963, đảo chính xảy ra, với kết thúc bi thảm cho anh em Ngô Đình Diệm ngay hôm sau.

Hỏi: Ta đã ôn lại từ ngày sinh (26/10/1955) đến ngày tử của “Đệ nhất Cộng hòa”. Ông muốn kết luận thế nào về cái “thực thể” đó?

Đáp: Làm sao khỏi gọi nó là một ngụy quyền! Mặt khác, tôi thấy có một ý nghĩa tích cực trong cái từ “rối tự giật dây” mà một số cố vấn Mỹ đã dùng để gọi Ngô Đình Diệm. Rối Diệm vùng vằng như thế là có hơn rối Bảo Đại tuyệt đối ngoan ngoãn. Do cái ý muốn tự chủ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm là ngụy quyền không điển hình, so với chính quyền Quốc gia Việt Nam là ngụy điển hình.

Hỏi: Nhìn tổng quan, ông có những cảm nghĩ gì về chuyện xảy ra trong những năm tháng ấy?

Đáp: Tôi cảm thấy phẫn nộ và kinh ngạc.

Phẫn nộ về một sự ăn gian trắng trợn vĩ đại. Tổ quốc sạch bóng giặc Pháp là nhờ Việt Minh kháng chiến thắng lợi. Thế mà những kẻ đã theo giặc đàn áp kháng chiến hay không tham gia kháng chiến sau đó lại giành một nửa đất nước!!! Chính nhờ Việt Minh thắng Pháp mà mới có Việt Nam Cộng hòa “độc lập”. Nếu Việt Minh đã thua Pháp, thì chỉ có Quốc gia Việt Nam tự trị mà thôi, thì thời Pháp thuộc sẽ kéo dài không biết tới bao giờ!

Kinh ngạc về sự kiện Việt Nam Cộng hòa đã lung lay chực đổ khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa ồ ạt tiến hành chiến tranh thống nhất đất nước! Chỉ với phương tiện khiêm tốn được chi viện và với sự giúp đỡ của một số ít đơn vị quân Miền Bắc, quân dân Miền Nam đã nhanh chóng tiến xa trên đường tự giải phóng!

Phẫn nộ, kinh ngạc, rồi nếu được hân hoan luôn vì đất nước thống nhất, thì còn vui nào bằng. Nhưng siêu cường đã xây tiền đồn đâu có chịu để mất tiền đồn dễ dàng. Nên sẽ xin kể sử tiếp, lần sau.



Thu Tứ
Viết tháng 10-2020
Sửa mới nhất tháng 11-2023




















__________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
(1) Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
(2) Đào Duy Anh,
Đất nước Việt Nam qua các đời, nxb. Thuận Hóa, 1994.
(3), (4), (5) Dẫn theo trang
vi.wikipedia.org.
(6) Thích Quảng Đức (Sài Gòn, ngày 11/6), Thích Nguyên Hương (Bình Thuận, 4/8), Thích Thanh Tuệ (Huế, 13/8), Thích Nữ Diệu Quang (Khánh Hòa, 15/8), Thích Tiêu Diêu (Huế, 16/8), Thích Quảng Hương (Sài Gòn, 5/10), Thích Thiện Mỹ (Sài Gòn, 27/10).