“Cao Bá Quát - Thơ thương người thương dân”




Cao Bá Quát tham gia khởi nghĩa chống triều đình Huế một phần vì nghĩ mình giỏi mà không được trọng dụng. Phần nữa, do ông bị bức xúc sâu sắc trước tình cảnh khốn cùng của đông đảo nhân dân dưới thời Tự Đức.

Đây là một người có bụng hay thương người. Đêm đông rét quá, tên tiểu đồng nằm rên, thế là ông thương… Ông không chỉ thương kẻ gần mình, mà thương bất cứ ai khổ. Đối với nhân dân, có những người cũng thương mà vì hoàn cảnh xa cách nên tình cảm chung chung, mơ hồ. Trường hợp Cao Bá Quát tình cảm ấy hết sức cụ thể, bởi ông sống rất gần dân. Hàng ngày, ông dễ dàng gặp bao nhiêu “số đen”. Đối tượng có thể mới “đen” ít thôi, như người thày lang bụng lép kẹp do ăn mỗi ngày có một bữa, có thể “đen” lắm rồi, như những người đói lâu ngày đến nỗi hóa thành “bộ xương sống / vơ vất đi ăn mày / ngồi xó chợ lùm cây”, lại có thể “đen” quá nên đã chết đường chết chợ vì đói, đã thành những cái “xác đầy nghĩa địa / thây thối bên cầu” rồi...

Người ta có thể thương người mà không làm gì cả để giúp. Cao Bá Quát thương đâu giúp đấy, tay liền bụng. “Nhỏ” rét thì ông hối hả chạy đi tìm chiếu đem đến đắp cho. Thày lang đói thì ông mời cùng dùng bữa. Nhân dân cùng kiệt thì ông đứng lên cố lật đổ cái người có trách nhiệm lo cho dân.

Người như thế, mà cuộc đời kết thúc như thế… Cái thương tấm lòng không hề dễ gặp chồng lên cái tiếc văn tài hiếm hoi, hậu thế làm sao quên!

Bâng khuâng Cao Bá Quát, rồi nhớ ngược về Đỗ Phủ, nhớ xuôi tới Tố Hữu. Tình cảm rộng rãi nó có một sức gây ấm đặc biệt. Trời thơ bao la đầy sao lấp lánh, nhưng nếu thiếu mấy vì tinh tú ấy, chắc chắn sẽ lạnh đi ít nhiều.

Sau đây là ba tác phẩm tiêu biểu cho nội dung thơ Cao Bá Quát vừa bàn. Cả ba đều là thơ Hán văn.

“Hàn dạ ngâm”(1)

“Nô” này thật là có phúc.

Nguyên văn

Hàn cực bất năng miên / Khởi cải tân thi cú / Chúc tận hoán nô thiêm / Nô ngọa thân ngâm cửu / Xuyết tịch khứ thông thông / Khước bả nô nhi phú.

Dịch nghĩa

Rét quá không ngủ nổi / Dậy chữa câu thơ mới làm / Nến sắp tắt, gọi nhỏ lấy thêm / Nhỏ cứ nằm rên mãi / Hối hả đi lấy chiếu / Đem đắp lên mình thằng bé.

Dịch thơ

Rét ôi, ngủ khó thì đừng
Khoác chăn ngồi chữa mấy vần vừa gieo
Cạn dầu, bấc lụn, nhỏ, mau!
Ông ơi, rét quá, con đau khắp mình!
Ba chân bốn cẳng chiếu tìm
Đem ra đắp đậy cõi còm tấm thân.


“Đạo phùng ngã phu”(2)

Cao Bá Quát gặp thày lang đói này năm 1854 là năm xảy ra nạn đói góp phần làm bùng nổ khởi nghĩa Lê Duy Cự chăng? Thực ra, vào khoảng giữa thế kỷ 19 đói kém là tình trạng triền miên, dân đói nhiều năm, không có chi tiết gì khác làm sao biết được năm nào. Dù sao, thi nhân “đạo phùng…” hẳn không phải một lần, mà gặp, rồi lại gặp…, nên mới rút cuộc thấy chỉ giúp một bữa ăn là không ổn, thấy mình cần phải tạm thôi làm thơ mà làm cái việc động đến “con Trời”. Về thành tích cai trị của con Trời ấy, đương thời có lưu hành bài vè: “(…) / Cơm thì chẳng có / Rau cháo cũng không / Đất trắng ngoài đồng / Nhà giàu niêm kín cổng / Còn một bộ xương sống / Vơ vất đi ăn mày / Ngồi xó chợ lùm cây / Quạ kêu vang bốn phía / Xác đầy nghĩa địa / Thây thối bên cầu / Trời ảm đạm u sầu / Cảnh hoang tàn đói rét / Dân nghèo cùng kiệt / Kẻ lưu lạc tha phương / Người chết chợ chết đường… / Là cái thời Tự Đức”.

Nguyên văn

Củ củ thùy gia tử / Y phá lạp bất hoàn / Thúc tòng nam phương lai / Hướng ngã tiền đầu thán / Vấn tử hà sở ưu? / Tự vân: “Trường gian nan / Gia bần nghệ y bốc / Ngã lai tẩu Tràng An / Tràng An vô bệnh nhân / Quần y như khâu sơn / Linh đinh vọng quy lộ / Cực mục vân man man / Nhị nhật điển không khiếp / Tam nhật xuyết ung xan / Phùng nhân đãn ngộ hỉ / Dục ngôn thanh lũ can” / “Y! Tử thả hưu lệ / Nhất quỹ dữ tử hoan / Du du nghịch lữ trung / Bách niên thùy tự khoan / Mạn dã mạc sậu yến / Bạo doanh phi tráng nhan”.

Dịch nghĩa

Lủi thủi con nhà ai / Áo thì rách nón thì nát / Chợt từ phía nam tới / Đi về phía ta, gặp, than thở / Hỏi ông lo buồn điều gì? / Nói rằng: “Vất vả liên miên / Nhà nghèo làm nghề thuốc, nghề bói / Tôi tìm lên Tràng An / Tràng An không có ai bệnh / Thầy thuốc nhiều như gò đống / Thân lênh đênh ngóng lối về quê / Vời trông chỉ thấy mây mờ mịt / Ngày thứ hai đem cầm cái tráp rỗng / Ngày thứ ba nhịn ăn bữa sáng bữa trưa / Gặp người nhưng mừng hụt / Muốn nói mà không cất tiếng nổi nữa” / “Chao! Ông hãy ngừng khóc / Dùng bữa cùng tôi cho vui / Đời là cuộc lang thang trái ý dằng dặc / Trăm năm mấy ai được thong dong / Từ từ nhé, chớ nuốt vội / Ăn no nhanh không tốt đâu”.

Dịch thơ

Ai đi lủi thủi đằng kia?
Tay ôm áo rách đầu che nón tàng
Chợt đâu bước tự phương nam
Thấy ta, tiến lại, thở than buông lời
Việc gì lo thế, bác ơi?
Rằng: “Tôi khổ mãi sao Trời chẳng tha
Mưu sinh: bốc thuốc nghề nhà
Làng thôn đói kém thử mò lên kinh
Tìm hoài chẳng gặp bệnh nhân
Mới hay kinh đã chật nêm những “thầy”!
Lui đành, nhưng tính sao đây?
Quê tôi tận cuối chân mây, dễ về!
Tiền lưng sắp cạn, ăn dè
Trưa không sáng bỏ, mệt mê cả người
Ân nhân tưởng gặp, thôi, đời
Chuyện dài, hơi đã hụt rồi, bác ơi!”
“Buồn, chao, khóc mấy cho vơi
Vào đây bát đũa cùng tôi nhé, nào!
Đời như quán trọ u sầu
Không, sao trẻ khóc bưng đầu mà ra!
(3)
Khoan thai nuốt hãy, bác à
No nhanh bụng đói e là chẳng hay”.


Bản dịch thơ khác

Một con người thất thểu
Áo rách nón tơi bời
Chợt từ phía nam lại
Cùng ta năn nỉ lời
Ta hỏi: “Bác buồn gì?”
Thưa rằng: “Tình cảnh tôi
Nhà nghèo làm thầy thuốc
Lên Kinh mong cầu tài
Kinh đô chẳng ai ốm
Thầy thuốc như núi đồi
Cùng kế phải quay về
Đường mây nghìn dặm khơi
Ngày hai cố chiếc tráp
Ngày ba nhịn đói dài
Gặp ai vẫn tươi tỉnh
Muốn nói nhưng nghẹn nhời”
“Ôi thôi bác ngừng lệ
Cùng ta dùng bữa chơi
Trăm năm trong quán trọ
Ung dung nào mấy ai!
Thong thả đừng vội nuốt
Chợt no dễ khốn người”.
(Trúc Khê)

“Lập xuân hậu nhất nhật tân tình”(4)

Rõ ràng vào khoảng ấy, đời sống của nhân dân đang rất kém vui. Dám nói ra sự thực, hẳn người nói đang ở một nơi an toàn. “Dân vi quý”, để dân thế này mãi sao? “Quân vi khinh”, nếu bất lực sao không thay được? Cái ý cực bạo lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu khiến người vẫn ngâm nga “thôi công đâu…” quyết định “chuốc lấy sự đời” một cách vô cùng nguy hiểm cho đời mình. Trong các bản dịch của chúng tôi sau đây, bản chót hơi xa nguyên tác vì khi dịch chúng tôi hướng về tâm trạng của thi nhân khi đã sắp vì đời mà làm “mưa gió non sông”.

Nguyên văn

Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn / Kim triêu hồng tử đấu thiên ban / Hà đương thế sự như hoa sự / Phong vũ giang san tận cải quan.

Dịch nghĩa

Hôm qua mùa xuân đến làm tan cái rét cũ / Sáng nay muôn hoa hồng tía đua nhau nở / Bao giờ việc đời được như việc hoa? / (Hãy) mưa gió (lên cho) non sông thay đổi hoàn toàn.

Dịch thơ

Bản 1:

Phá rét xuân hồng lại đến đây
Muôn hoa đua nở đón xuân say
Bao giờ người được như hoa nhỉ?
Non sông mưa gió đổi thay đời.


Bản 2:

Xuân trời y hẹn đến hôm qua
Sáng nay khắp nẻo rộ muôn hoa
Mùa xuân đất nước lâu về nhỉ
Mong sao mưa gió gội sơn hà.


Bản 3:

Xuân về phá rét hôm qua
Sáng nay hồng tía muôn hoa nở bừng
Bao giờ cho đến hội mừng
Non sông đổi mới, tía hồng đời dân.


Bản 4:

Hôm qua xuân tới rét lui
Sáng nay hồng tía đua tươi khắp vùng
Bao giờ mưa gió non sông?
Cho đời cũng nở tía hồng muôn hoa!


Bản 5:

Xuân trời đất đến hôm qua
Sáng nay hồng tía muôn hoa rạng ngời
Về mau với chứ, xuân đời
Cho tươi non nước, cho người như hoa!


Bản 6:

Hôm qua trời đất giao mùa
Sáng nay khắp nẻo hoa đùa gió xuân
Thua hoa chẳng để phận dân
Non sông quyết đổi, bão giông cũng đành!


Bản dịch thơ khác

Rét cũ hôm qua xuân phá tan
Sáng nay hồng tía nở đua tràn
Bao giờ thế sự như hoa đấy
Mưa gió non sông đổi cảnh quan.
(Đông A)



Thu Tứ
Viết năm 2021









________
(1) Nghĩa là “Khúc ngâm đêm lạnh”.
(2) Nghĩa là “Trên đường gặp người đói”.
(3)
Cung oán: “Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra”.
(4) Nghĩa là “Sau lập xuân một ngày trời lại sáng”.