“Tình bạn trong thơ Đường” (I)




Tình bạn là một nội dung hay gặp trong thơ Đường. Có khi bạn thân xa nhau rồi nhớ nhau, làm thơ. Có khi bạn thân đến thăm nhau, làm thơ. Nhưng tình huống khiến nhiều thơ ra đời nhất là khi bạn thân chia tay, một người đi xa… Biết bao nhiêu thơ Đường tên bài có chữ “tống”, chữ “tiễn”, chữ “biệt”! Ngày xưa bên Tàu, trong giới trí thức, mỗi cuộc chia tay là một dịp để cảm xúc miên man, nếu cảm kịp hiện thành vần ưng ý để tặng bạn ngay thì nhất, còn không trong mấy ngày sau đó cứ ôm lấy tứ mà gieo đi gieo lại cho thành, cũng là cái thú!

Mạnh Hạo Nhiên (689-740) và Vương Duy (701-761) đều có một số bài thơ tình bạn đặc sắc. Riêng tình bằng hữu vong niên giữa hai người thì để lại vết là bài “Lưu biệt Vương Duy” của MHN và một bài “Tống biệt” của VD. MHN tìm đến bạn, thấy nay không cùng chí hướng với mình, bèn lên đường trở về. VD cưỡi ngựa đi tiễn… Cái khoảng ấy trong lịch sử Tàu chính sự phức tạp, xuất xử hai đường dễ phân vân. Và làm quan thì khi lên lúc xuống là thường. Cái bài “Tống biệt” thứ hai của Vương Duy hình như được sáng tác khi hoạn lộ ông đang trắc trở…

“Hạ nhật nam đình hoài Tân đại” của Mạnh Hạo Nhiên

Trăng thanh gió mát, xõa tóc ra hiên nằm khểnh, sen dưới ao đưa thơm, móc trên cây rỏ giọt tí tách… Cao hứng, định gẩy, nhưng tiếc “đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”(1). Đi ngủ vậy. Nhưng ngủ rồi mà có quên được đâu… Cái chuyện nhớ nhau này bên ta cũng có: “Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi! / (...) / Tương tư mộng thấy năm canh mộng”(2), “Tôi khóc tôi cười vang cả mộng / Nhớ thương đưa lọt gió qua mành”.(3)

Nguyên văn

Sơn quang hốt tây lạc
Trì nguyệt tiệm đông thượng
Tán phát thừa tịch lương
Khai hiên ngọa nhàn xưởng
Hà phong tống hương khí
Trúc lộ trích thanh hưởng
Dục thủ minh cầm đàn
Hận vô tri âm thưởng
Cảm thử hoài cố nhân
Trung tiêu lao mộng tưởng.


Dịch nghĩa

Ở phía tây nắng đầu núi bỗng tắt hẳn / Ở phía đông trăng từ từ lên khỏi mặt ao / Xõa tóc hóng cái mát mẻ của chiều tối / Mở cửa ra hiên nằm chơi thoải mái / Gió đưa hương sen ngào ngạt / Giọt móc trên lá tre rơi nghe trong trẻo / Muốn lấy cây đàn cầm mà gảy / Tiếc không có người tri âm / thưởng thức / Ðộng lòng nhớ cố nhân / Trong đêm vật vã mộng nhớ chuyện cũ.

Dịch thơ

Tà dương vụt tắt non tây
Thong dong trăng mới lên soi mặt hồ
Chiều êm tóc xõa hững hờ
Ra hiên tréo cẳng chẳng chờ đợi chi
Thơm sen theo gió ngát bay
Cành tre móc trĩu, gieo nghe cũng tình
Đàn ôm chực gẩy, buông, hờn
Tri âm đâu tá, cho mình mình nghe...
Nằm ôn chuyện cũ, tê mê
Trở trăn trăn trở, dài ghê đêm này!


Bản dịch thơ khác

Bóng dâu bỗng xế non đoài
Phía đông trăng mọc mé ngoài hồ kia
Xõa đầu hóng mát đêm khuya
Cửa hiên mở rộng, sân hè nằm chơi
Gió sen thơm ngát đưa hơi
Cành tre thánh thót sương rơi giọt thầm
Giải buồn muốn gẩy đàn cầm
Ngậm ngùi nỗi thấy tri âm vắng người
Chạnh lòng nhớ bạn xa xôi
Nửa đêm vật vã bồi hồi chiêm bao.
(Trần Trọng Kim)

Non đoài gác bóng ô
Ao trước nhô vầng thỏ
Hóng mát tóc bay xòa
Nằm ngơi nhà để ngỏ
Hương sen thoảng gió đưa
Tiếng trúc hoà sương rỏ
Muốn nắn phím đàn chơi
Tri âm buồn chẳng có
Chạnh lòng nhớ bạn xưa
Nhọc mộng đêm vò võ...
(Lê Nguyễn Lưu)

“Quá cố nhân trang” của Mạnh Hạo Nhiên

Về vườn mà về được một cái vườn như thế này, dễ vui đạo lắm. Vui rồi rủ bạn cũ đến cùng vui, càng vui. Cái đoạn cuối của một đời người ở Á Đông xưa, nó có thể thật là đẹp.

Nguyên văn

Cố nhân cụ kê thử
Yêu ngã chí điền gia
Lục thụ thôn biên hợp
Thanh sơn quách ngoại tà
Khai hiên diện trường phố
Bả tửu thoại tang ma
Ðãi đáo trùng dương nhật
Hoàn lai tựu cúc hoa.


Dịch nghĩa

Bạn cũ sắm đủ gà, gạo nếp / Mời ta đến chơi nếp nhà ở quê / Quanh làng cây cối mọc xanh um / Ngoài thành có núi biếc thoai thoải / Mở cửa hiên thấy vườn tược bao la / Nâng chén bàn chuyện trồng dâu, đay / Ðợi đến ngày trùng cửu / Sẽ lại đến để cùng ngắm hoa cúc.

Dịch thơ

Nếp gà bác sắm đủ dùng
Tôi theo nhời đến vui chung mấy ngày
Bờ thôn cây cối xanh đầy
Xiên xiên núi biếc thành ngoài đâu xa
Ngồi trông đất cát bao la
Cùng nhau nâng chén, nông gia chuyện trò
Lan man khắp việc nhỏ to
Hẹn nhau lại gặp ngày hoa cúc vàng...


Bản dịch thơ khác

Đủ gà đủ gạo nếp
Bạn mời ta đến nhà
Quanh làng cây san sát
Ngoài lũy núi tà tà
Cửa nhòm cảnh vườn tược
Rượu hứng chuyện tằm tơ
Hẹn đến ngày trùng cửu
Về xem cúc nở hoa.
(Châu Giang và Tương Như)

“Lưu biệt Vương Duy” của Mạnh Hạo Nhiên

Người vẫn muốn đi tìm hái cỏ thơm. Người hình như hết muốn rồi. Chao ơi, buồn.

Nguyên văn

Tịch tịch cánh hà đãi
Triêu triêu không tự qui
Dục tầm phương thảo khứ
Tích dữ cố nhân vi
Ðương lộ thùy tương giả
Tri âm thế sở hy
Chỉ ưng thủ tịch mịch
Hoàn yểm cố viên phi.


Dịch nghĩa

Đêm đêm tự hỏi rút cuộc đang chờ gì đây / Sớm sớm ra đi không được việc gì cả, lại trở về / Muốn đi tìm cỏ thơm / Tiếc mình và người cũ bây giờ ngược nhau / Người đang có chức quyền ai hiểu tâm sự mình / Tri âm ở đời vốn hiếm / Chỉ nên giữ im lặng / Trở về đóng cửa vườn cũ.

Dịch thơ

Đêm đêm tự hỏi đợi chi
Mỗi tinh mơ mỗi lại đi để về!
Cỏ thơm tìm muốn chỉn e
Cố nhân lòng đã thôi nghe mặn mà
Say đời gỡ mấy cho ra
Tri âm sau trước vẫn là hiếm thôi
Nỗi riêng khôn tiện dài lời
Đôi vần để lại, bác vui, tôi về.


Bản dịch thơ khác

Quạnh hiu thôi có đợi gì
Những là sớm sớm đi về luống công
Muốn đi tìm cỏ thơm nồng
Tiếc vì bạn cũ đồng lòng lại không
Những người đương lộ ai dung
Tri âm mấy kẻ ở trong đời này
Chỉ nên im lặng qua ngày
Trở về vườn cũ, cửa cài ở yên.
(Trần Trọng Kim)

“Tống biệt” (1) của Vương Duy

Vương Duy cưỡi ngựa đến tiễn Mạnh Hạo Nhiên. Người đi không vừa ý việc đời. Đi đây. Đi đi, mây trắng mau về đầu non...

Nguyên văn

Há mã ẩm quân tửu
Vấn quân hà sở chi
Quân ngôn bất đắc ý
Quy ngọa Nam Sơn thùy
Ðãn khứ mạc phục vấn
Bạch vân vô tận thì.


Dịch nghĩa

Xuống ngựa uống rượu cùng bác / Hỏi bác đi đâu / Bác nói không được vừa ý / Về nằm dài ở mé Nam Sơn / Đi đây, đừng hỏi nữa / Mây trắng chẳng bao giờ tan.

Dịch thơ

Trường đình cạn chén cùng nhau
Hỏi quan bác định chơi đâu chuyến này
Rằng: Tôi chán cảnh đời nay
Non cao lánh ở xem ngày tháng trôi
Đi đây. Đi nhé. Đi thôi!
Kìa mây trắng nhẹ muôn đời chưa tan.


Bản dịch thơ khác

Xuống yên uống rượu cùng anh
Hỏi anh sắp sửa cất mình đi đâu
Rằng ta chán chuyện mưu cầu
Ðịnh về nằm ở mé đầu Nam Sơn
Ði đây đừng có hỏi han
Mây kia trắng xóa chẳng tan bao giờ.
(Trần Trọng Kim)

“Tống biệt” (2) của Vương Duy

“Vương tôn” ơi, rồi còn nhớ đến “cửa sài” này chăng? Nếu còn, liệu có dành được thì giờ về thăm nhau chăng?...

Nguyên văn

Sơn trung tương tống bãi
Nhật mộ yểm sài phi
Xuân thảo minh niên lục
Vương tôn quy bất quy?


Dịch nghĩa

Trong núi tiễn nhau xong / Trời chiều, đóng cánh cửa bằng cành gai khô / Cỏ xuân sang năm lại xanh / Chẳng biết khách quý có về nữa hay không?

Dịch thơ

Bản 1:

Non cao tiễn khách đường xa
Lều tranh lui bước đón tà tà dương
Xuân sang cỏ lại xanh rờn
Khách vương tôn biết có còn về đây?...


Bản 2:

Tiễn bạn rời xóm núi
Chiều tàn, hạ cổng tre
Sang năm mùa xanh cỏ
Tri âm biết có về.


Bản 3:

Chia tay bạn giữa núi non
Chiều tà xô cánh cổng con, chốt cài
“Cỏ non xanh rợn chân trời”
Mùa luôn giữ hẹn, nhưng người chắc chi…


“Tống Nguyên nhị sứ An Tây” của Vương Duy

Cây liễu mọc đầy thơ Đường, hẳn vì nó mọc đầy đất Tàu đời Đường. Lại tiễn bạn. Một phần quan trọng của Đường thi xuất phát từ những buổi tiễn đưa…

Nguyên văn

Vị thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương quan vô cố nhân.


Dịch nghĩa

Ðất Vị thành mưa buổi sáng làm ướt bụi / Nơi quán trọ liễu non xanh rờn / Mời bác hãy cạn thêm một chén rượu nữa / Ra phía tây ải Dương sẽ không còn gặp ai quen.

Dịch thơ

Bản 1:

Tinh mơ mưa ướt thành biên
Thanh tân sắc liễu xanh bên quán chờ
Mời anh, chén nữa thôi mà
Mai ra ngoài ấy, chuyện trò với ai…


Bản 2:

Tinh mơ liễu được gội đầu
Trước sân rũ tóc khoe mầu biếc tươi
Cạn thêm chén nữa bác ơi
Mai sang đất khách lấy ai bạn cùng…


Bản dịch thơ khác

Mưa buổi sớm, Vị thành bụi ướt
Rặng liễu non mườn mượt màu xanh
Khuyên anh hãy cạn chén quỳnh
Dương quan ra khỏi, biết mình quen ai.
(Trần Trọng Kim)

Sáng ra thành Vị mưa vùi
Loi thoi bên quán mấy chồi liễu xanh
Mời anh cạn hết chén quỳnh
Dương quan ra đó một mình quen ai.
(Khuyết danh)



Thu Tứ













________
Nghĩa các tên bài: “Ngày hè ở nhà nhỏ phía nam nhớ bác cả họ Tân”, “Thăm trang trại của bạn cũ”, “Để lại (mấy câu) chia tay Vương Duy”, “Chia tay” (1), “Chia tay” (2), “Tiễn bác hai họ Nguyên đi sứ An Tây”.
(1) Trong bài “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến.
(2) Trong bài “Nhớ Trường Xuyên” của Hàn Mặc Tử.
(3) Trong bài “Mộng thấy Hàn Mặc Tử” của Quách Tấn.