“Tình bạn trong thơ Đường” (III)




Nghe sáo trên sông nhớ bạn, lên lầu ngắm sông nhớ bạn, đêm nghe mưa núi nhớ bạn, “lận đận bên trời” nhớ bạn “cùng một lứa”, kẻ xuôi nam người ngược bắc chưa chia tay đã nhớ chùng chình mãi làm gió sốt ruột phải lên tiếng giục chia v.v. Tình bạn bên Tàu thời ấy đượm đà tha thiết lạ.

Thân nhau thế, hẳn gặp nhau thì chuyện trò rôm rả. Ấy là người thường, chứ “quân tử chi giao đạm nhược thủy”, người trí thức xưa gặp nhau lắm khi chủ yếu “đối diện đàm tâm”, chẳng thốt nên mấy lời. Lời có tiếng đã ít, mà lời không tiếng nói bằng ánh mắt, miệng cười, cử chỉ cũng đều được giữ chừng mực. Không ai nghe thấy bao nhiêu cả, bởi hầu như chỉ có lòng đang trực tiếp trao đổi với lòng...

Hình như tình cảm bị hạn chế biểu lộ bằng những cách thông thường có dễ hóa thơ. Cứ hễ gặp dịp là nó hóa, thành thứ lời cũng không dài chút nào.

“Thính giang địch tống Lục thị ngự” của Vi Ứng Vật

Người đưa đêm nghe tiếng sáo mà nhớ người đi… Tai nghe thật hay là chỉ có cái lòng nhớ bỗng nghe “dư âm” của tiếng sáo lúc cùng nâng chén? Dư âm ấy, có khi nó cũng đang tha thiết vẳng trong lòng người đi…

Nguyên văn

Viễn thính giang thượng địch
Lâm trường nhất tống quân
Hoàn sầu độc túc dạ
Cánh hướng quận trai văn.


Dịch nghĩa

Nghe xa xa có tiếng sáo trên sông / Ðúng lúc đang nâng chén tiễn bác / Về buồn đêm nằm ngủ một mình / Lại nghe sáo vẳng tận phòng sách trong dinh.

Dịch thơ

Bản 1:

Sáo ai vi vút trên sông
Xa bay tận chén rượu nồng tiễn nhau
Người về bóng lẻ canh thâu
Buồng văn hiu hắt, sáo đâu lại vào!


Bản 2:

Sáo sông trộn chén rượu nồng
Tôi nâng tiễn bác thuận dòng xa chơi
Về, đêm mình với mình thôi
Vi vu sáo thoảng, buồn ơi chốn này.


Bản 3:

Sáo đâu ai thổi trên sông
Cái ngày tôi bác chén nồng chia tay
Bác đi, tôi lại về đây
Đêm nghe sáo vẳng khôn khuây mối sầu…


Bản dịch thơ khác

Xa nghe tiếng sáo trên sông
Một phen cất chén rượu nồng đưa nhau
Nghĩ cho đêm vắng thêm sầu
Riêng ai tiếng ấy bên lầu lại nghe.
(Tản Đà)

“Giang lâu thư hoài” của Triệu Hỗ

“Bâng khuâng”, có khi “nhớ cảnh nhớ người”, vì đang xa cả hai. Có khi chỉ nhớ người thôi, vì đang ở ngay trong cảnh cũ. Kể ra, có thể gặp người cũ rồi nhớ cái cảnh đã cùng nhau ngắm, nhưng hình như không có bài thơ nào như thế…

Nguyên văn

Ðộc thướng giang lâu tứ tiễu nhiên
Nguyệt quang như thủy thủy như thiên /
Ðồng lai ngoạn nguyệt nhân hà tại
Phong cảnh y hi tự khứ niên.


Dịch nghĩa

Một mình lên lầu bên sông nghĩ ngợi bâng khuâng
Ánh trăng như nước, nước như trời
Người đã cùng ta đến đây ngắm trăng nay đâu
Phong cảnh dường như giống y như năm ngoái.

Dịch thơ

Bản 1:

Lầu cao lặng đứng bâng khuâng
Sáng trăng như nước, mặt sông in trời
Người trông nay chỉ một thôi
Cảnh trông vẫn nước trăng trời như xưa.


Bản 2:

Một mình lên gác, bâng khuâng
Kìa trăng tựa nước, nọ sông in trời
Năm xưa đối cảnh hai người
Đêm này lẻ đứng, vẫn trời trăng sông…


Bản dịch thơ khác

Lên gác bên sông một ngậm ngùi
Sáng trăng như nước, nước như trời
Bạn chơi năm ngoái nào đâu tá?
Trăng nước như xưa chín với mười.
(Tản Đà)

“Dạ vũ ký bắc” của Lý Thương Ẩn

Người ở phương bắc chắc là một bạn tâm giao. Chuyện mưa đêm trên núi có bao giờ kể? Thơ hẹn kể mấy câu còn lất phất bay...

Nguyên văn

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ
Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì
Hà đương cộng tiễn tây song chúc
Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì.


Dịch nghĩa

Bạn hỏi ngày về, chưa có ngày về
Mưa đêm núi Ba làm tràn ao thu
Bao giờ cùng cắt tim nến nơi cửa sổ phía tây
Sẽ kể chuyện thời mưa đêm núi Ba.

Dịch thơ

Bản 1:

Về ư, chửa có ngày về
Mưa đêm xứ núi tràn trề ao thu
Bao giờ chong nến cùng nhau
Chuyện mưa kể suốt canh thâu mới vừa...


Bản 2:

Ngày về ư? Bác ơi, chửa có!
Mưa sụt sùi, ao nhỏ tràn kia
Bao giờ cắt ngọn bấc khuya
Bên nhau, em kể bác nghe đêm này.


Bản 3:

Ngày về, hỡi ơi, mờ mịt!
Mưa đêm ao nhỏ sắp tràn
Bao giờ thức cùng nhau sẽ
Mưa đêm chuyện kể miên man...


“Đông Dương tửu gia tặng biệt” của Vi Trang

Chia tay có khi không phải người đi kẻ ở, mà cả hai cùng đi, mỗi người một hướng. Vi Trang tình cờ gặp bạn cũ nơi đất khách, vừa gặp đã phải chia tay ngay. Buồn xa quê thêm buồn xa bạn, làm sao cho khỏi thơ. Tưởng tượng đêm sau đôi bạn đôi ngả đều đem thơ mới làm hay mới được tặng ra ngâm. Khăn ướt mặc khăn, có khi đùi vẫn cứ rung!

Nguyên văn

Thiên nhai phương thán dị hương thân
Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân
Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt
Túy tinh hà xứ các triêm cân.


Dịch nghĩa

Bên trời vừa than cảnh sống bơ vơ nơi đất khách
Ðã lại phải hướng về bên trời mà chia tay với bạn cũ
Đêm mai, dưới trăng sáng năm canh nơi quán lẻ
Say hay tỉnh, ở đâu, ai cũng sẽ rơi lệ ướt khăn.

Dịch thơ

Bản 1:

Bên trời cùng mới than thân
Trời xa lại phải đưa chân nhau rồi
Mai trăng mỗi đứa mỗi nơi
Tỉnh say quán lẻ lệ rơi khôn cầm…


Bản 2:

“Xa quê buồn quá bác ơi!”
Cùng nhau vừa mới, chia tay lại cùng!
Tha hồ mai nhé khóc thầm
Thâu canh quán lẻ tầm tầm lệ rơi...


Bản dịch thơ khác

Than thân xa lạ quê người
Lại cùng người cũ bên trời chia tay
Trăng tàn quán khách sớm mai
Tỉnh say ai cũng lệ rơi ướt đầm.
(Trần Trọng Kim)

“Hoài thượng biệt cố nhân” của Trịnh Cốc

Chia tay bạn trên sông Hoài, mà lại thấy dương liễu ra hoa trên sông Dương Tử? Sông Hoài có chảy vào sông Dương Tử, vậy “ly đình” tọa lạc nơi ngã ba sông? Sông Tiêu sông Tương thuộc Hồ Nam, còn đất Tần nay là vùng Thiểm Tây, tức một người đi xuống phía nam, còn người kia đi lên phía bắc. Hoa liễu nở tháng ba. Sẵn buồn biệt ly, thêm rầu vì thứ hoa nhắc xuân sắp hết, đôi bạn ngồi thẫn thờ bên nhau lâu quá khiến gió sốt ruột thổi sáo giục: “Có đi đâu thì đi đi chứ!”.

Nguyên văn

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.


Dịch nghĩa

Ở bến sông Dương Tử, dương liễu đượm sắc xuân
Hoa liễu nở làm khách qua sông buồn muốn chết
Vài tiếng gió vi vu thổi qua nơi chia tay, muộn rồi
Bác xuôi về cõi Tiêu Tương, tôi ngược lên Tần.

Dịch thơ

Bản 1:

Lá xanh hoa đỏ một bờ
Trường Giang liễu rộ, thẫn thờ khách qua
Vi vu gió giục lìa xa
Muộn rồi, nam bắc đôi ta đôi đường.


Bản 2:

Bến Trường Giang liễu khoe xuân sắc
Liễu hoa bừng dạ khách sầu vương
Muộn rồi, mau, gió giục khuyên
Đường Tần tôi trẩy, Tiêu Tương bác về.


Bản dịch thơ khác

Sông Dương dương liễu đua tươi
Hoa dương buồn chết dạ người sang sông
Ðình hôm tiếng sáo não nùng
Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần.
(Ngô Tất Tố)



Thu Tứ













________
Nghĩa các tên bài: “Nghe sáo trên sông ngày tiễn bạn là quan thị ngự họ Lục”, “Trên lầu bên sông viết diễn nỗi nhớ”, “Đêm mưa thư về bắc”, “Tặng thơ chia tay nhau ở quán rượu Đông Dương”, “Chia tay bạn cũ trên sông Hoài”.